'Thư từ Roma': Bài 5 - Những bàn tay 'ma' tại Ý
Chồng tôi, khi lên máy bay rời nước Ý sau chuyến thăm ngắn trong thời gian tôi học tại Rome, dặn đi dặn lại câu duy nhất: 'Em nhớ để ý túi khi đi đường. Đừng để bị mất cắp nữa!'

Những "bàn tay ma" tại Ý, chiếc ví không cánh mà bay!
Trước đó, ngày tôi ra đón chồng tại sân bay Fumicino (Rome), chiếc ví của tôi không cánh mà bay. Do nhiệt độ thay đổi liên tục trên chặng đường di chuyển, tôi đã chủ quan tháo chiếc túi nhỏ đeo trong người cho khỏi nóng, để bỏ vào balô đeo sau lưng. Điều may mắn lớn nhất, là tôi đã quyết định vào phút cuối để hộ chiếu lại nhà, mà chỉ mang theo bản photo trong túi.
Tô Phương Thủy
Phóng viên thường trú của Tạp chí Công dân và Khuyến học tại Châu Âu
Chồng tôi bán tín bán nghi về việc liệu tôi bị mất cắp thật, hay là do tôi đã bỏ quên đâu đó. Bởi khi kiểm tra ba lô, mọi thứ vẫn thật bình thường. Và hầu như cả hai chúng tôi không nhận diện dấu hiệu gì đáng nghi trong cả quá trình di chuyển. Chỉ đơn giản là chiếc túi đựng tiền biến mất, không còn dấu tích.
Cho đến khi, chính chồng tôi đối mặt trực tiếp với những "bàn tay ma" tại Rome. Lúc đó, chúng tôi vừa xuống nhà ga trung tâm Termini, khi trở về Rome từ kỳ nghỉ Giáng Sinh tại Florence. Termini là nhà ga chính, vì vậy, lưu lượng hành khách tại đây vô cùng đông đúc.
Chồng tôi lễ mễ kéo vali, còn tôi tìm chỗ đứng trên tàu điện ngầm. Đang loay hoay, tôi bỗng nghe tiếng chồng lớn tiếng: "Ê ê ê….!" Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, một phụ nữ có bụng bầu đã ép tôi sát vào vách tàu. Tôi với ra tìm chồng, thì thấy một cô gái tóc vàng đang giằng tay, đồng thời nhìn thẳng vào chồng tôi, thách thức: "What? What? Do you have any problem with me!" (Cái gì? Làm sao? Mày có vấn đề gì với tao à?)
Chồng tôi gằn giọng: "Nó định lấy cắp đồ của anh. Nó đã thò được vào túi và đang lục đồ thì bị anh tóm được tay".
Tô Phương Thủy, phóng viên Tạp chí Công dân & Khuyến học thường trú tại Ý
Xung quanh, cả toa tàu im ắng, nhìn chúng tôi. Một phụ nữ lớn tuổi ra dấu, bảo tôi đưa ba lô ra đằng trước. Những người đàn ông còn lại đều không phản ứng. Điều tệ hại nhất là cô gái – kẻ cắp, thản nhiên tụ lại nói chuyện cùng người phụ nữ có "bụng bầu" và ba kẻ khác, trước khi chúng xuống tàu ở ngay ga kế tiếp!
Ý không phải là thiên đường cho những du khách là vậy
Hóa ra, chiêu trò của những kẻ cắp tại Rome thường thế này: Chúng đi theo nhóm, và quan sát tìm con mồi, đặc biệt tại nhà ga Termini và những bến xe buýt quanh khu vực trung tâm thành Rome – nơi có rất đông du khách. Thông thường, sẽ có một phụ nữ giả đeo bụng bầu, một số khác đóng vai trò "người tốt bụng" dẹp đường, ép sát con mồi, phân tán sự chú ý, để kẻ còn lại cuỗm ví và hành lý của du khách.
Đây cũng chính là chiêu mà chúng áp dụng, khi lần đầu tiên tôi bị mất cắp tại Rome. Khi đó, tôi đang bắt xe buýt về nhà, sau cả ngày lang thang tại trung tâm thành Rome. Khi xe gần chuyển bánh, một người đàn ông da đen bỗng nhảy lên, đứng ngáng cửa và dồn ép để "nhường chỗ cho các du khách khác". Bị ép chặt, tôi chỉ còn cách bám víu tìm khoảng thở. Bất thần, tôi thấy người đàn ông da đen nhảy xuống khỏi xe buýt khi cửa xe vừa đóng lại. Một linh cảm xấu làm tôi choáng váng. Nhìn xuống chiếc túi đeo bên vai, khóa túi khi đó đã bị kéo hở một nửa. Chiếc ví của tôi đương nhiên không còn nữa!
Tôi về nhà bác Teresa – nơi tôi trọ học - trong bộ dạng thất thần, và bỏ bữa tối. Khi đang ngồi buồn bã, điện thoại của tôi reo vang. Đầu dây bên kia là giọng của một thanh niên Ý nói điều gì đó "…tua borsa…" Tôi điên tiết, nghĩ rằng những tên kẻ cắp đang giở trò đòi tôi chuộc lại ví. Rồi một giọng nữ nhỏ nhẹ, nói tiếng Anh, chen vào: "Chúng tôi nhặt được ví của bạn bị quẳng bên đường…" Tôi vụt chạy ra ngoài nhà, đưa điện thoại nhờ bác Teresa nói chuyện.
Theo lời kể của hai người tốt bụng, những tên kẻ cắp sau khi lấy hết tiền mặt đã quẳng lại ví của tôi lên kính xe ô tô của họ. Do tôi để biên lai top-up có số điện thoại trong ví, các bạn mới liên lạc được. Francesca – con gái hai bác chủ nhà - chở tôi đi gần 15km trong đêm, để nhận lại đồ. Bên trong, còn nguyên 2 thẻ ngân hàng Techcombank, cùng ảnh con gái và những tin nhắn con viết cho tôi từ khi còn bé.

Ý có thể đón đến 35 triệu du khách và tín đồ hành hương trong năm thánh 2025. Ảnh minh họa: CDKH.
Câu chuyện dở khóc, dở cười của tôi, chỉ là đơn lẻ trong vấn nạn trộm cắp, đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch của nước Ý. Hầu như tất cả những người bạn của tôi, từng đi du lịch tại Ý, hoặc có người thân đến đây, đều đã trực tiếp chứng kiến, hoặc là nạn nhân bị móc túi. Một người bạn thân của tôi kể, mẹ của cô bị móc túi mất 1.000 euro ngay trong ngày đầu tiên đến Rome, khiến bà, cho đến nay, rất ác cảm với nước Ý mỗi khi nhớ về ký ức này.
2025 là năm Thánh (Jubilee) tại Italia, vì vậy, quốc gia này đang chuẩn bị để đón đến 35 triệu du khách và tín đồ hành hương, so với chỉ khoảng 20 triệu những năm trước. Cùng với làn sóng khách du lịch, những băng nhóm trộm cắp cũng đổ xô về Italia để "làm giàu".
Bộ Nội vụ Italia đã thành lập lực lượng cảnh sát đặc nhiệm "Polmetro", chuyên tìm bắt bọn móc túi trên các tàu điện ngầm ở Rome, Milan và Naples. Cảnh sát cho biết đã thực hiện hơn 175.000 cuộc kiểm tra ngẫu nhiên kể từ đầu năm 2024, và bắt giữ 676 kẻ tình nghi. Song các đợt truy bắt này vẫn như muối bỏ biển.
Theo các dữ liệu cập nhật từ Europol và Eurostat, Italia nằm trong nhóm các quốc gia châu Âu có tỷ lệ trộm cắp du khách cao nhất. Năm 2023, các diễn đàn du lịch ghi nhận 1906 vụ việc mất cắp được du khách thông báo tại Colosseum, đài phun nước Trevi, đền Pantheon tại Rome, tại khu vực Thánh đường Milan và Bảo tàng Nghệ thuật tại Florence. Con số này tương ứng cứ 1 triệu du khách thì có 463 vụ móc túi diễn ra tại các điểm tham quan nổi tiếng Italia – tỉ lệ cao nhất so với bất cứ quốc gia Châu Âu nào.
Những kinh nghiệm "thương đau"...
Gần đây nhất, MC Thanh Huyền cũng là nạn nhân bị lấy cắp vali khi đang trên tàu đến Florence.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ Italia, năm 2024, tổng số có 59.953 vụ tội phạm được thống kê tại Florence, tương ứng cứ 100.000 người cư trú thì có 6.000 vụ được báo cáo. Trộm cắp đứng đầu bảng, với 31.353 vụ việc, khiến Florence có tên trong top "đen" về vấn nạn này, cùng Milan và Rome.
Mất bò mới lo làm chuồng, sau 2 lần bị mất cắp, khi đi ra ngoài, tôi chỉ mang theo một tờ tiền mặt giá trị nhỏ, để sâu trong ngăn kéo nhỏ trong túi đeo chéo. Đồ vật được tôi chia nhỏ, để ở các ngăn khác nhau. Chưa kể, dây kéo khóa được tôi lồng vào cạnh, và buộc nơ chặn để tăng độ an toàn. Khi lên tàu điện ngầm, hoặc xe bus, tay tôi luôn để ở miệng túi.
Vậy mà tôi vẫn như thỏi nam châm thu hút sự chú ý của những tên trộm. Cách đây vài ngày, khi đang lên tàu điện ngầm gần Bảo tàng Borghese, tôi một lần nữa đối diện với nhóm móc túi thành Rome. Nhóm này, gồm 3 trai và hai gái, giang tay giữ cửa và nhảy lên tàu điện ngầm, khi tàu sắp lăn bánh. Một trong số chúng, còn rất trẻ, tóc vàng, mắt xanh, miệng tóp tép nhai kẹo cao su, đứng sát ngay cạnh tôi. Cô ta giả thu hút sự chú ý bằng cách giơ tay trái ra phía trước, cuốn cuốn chiếc áo khoác tạo hình như một khẩu súng, đồng thời để vạt áo rơi xuống chiếc túi tôi đang đeo trước người.
Cùng với đó, tay phải của cô ta luồn từ dưới áo, lần tìm khóa kéo, song rất tiếc, lại chạm đúng vào tay tôi đang giữ miệng khóa. Tôi bình tĩnh nhìn thẳng vào mắt cô ta, và nói "Non ho niente nella mia borsa" (Không có gì trong túi đâu). Cô ta quay ngoắt người, và cùng băng đảng rời đi ở ga tàu kế tiếp.

Bài học không bao giờ cũ, dù đi du lịch ở bất cứ quốc gia nào, đó là điện thoại, hộ chiếu, giấy tờ và vật dụng quan trọng, luôn phải được để trong túi áo ngực, hoặc ở túi đeo bên trong người.
Kinh nghiệm thương đau, chỉ được rút ra, sau khi tôi đã trải nghiệm nhiều lần với "những bàn tay vô hình" tại Ý. Bài học không bao giờ cũ, dù đi du lịch ở bất cứ quốc gia nào, đó là điện thoại, hộ chiếu, giấy tờ và vật dụng quan trọng, luôn phải được để trong túi áo ngực, hoặc ở túi đeo bên trong người. Không bao giờ được cắm cúi sử dụng điện thoại khi đứng gần cửa xe buýt, cửa tàu điện ngầm, hay cửa chợ hoặc siêu thị, vì nguy cơ bị giật điện thoại là vô cùng lớn.
Và bất kể những trải nghiệm trên, với tôi, nước Ý vẫn thật đẹp và hào hùng, nơi sở hữu những di sản lịch sử giàu có mà hiếm có quốc gia nào khác trên thế giới có được. Nước Ý vẫn mãi là "A Dolce Vita – Một cuộc sống tươi đẹp!" với sự thanh bình của mảnh đất Địa Trung Hải, và những hàng thông uy nghi vươn mình, in bóng trên nền trời xanh ngắt.