Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo nóng vụ va chạm hai tàu trên sông Lòng Tàu
Ngày 1/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa có chuyến thị sát hiện trường vụ tai nạn hàng hải ở Cần Giờ và có những chỉ đạo 'nóng', khẩn trương xử lý sự cố tràn dầu.
Khẩn trương thu gom hết dầu tràn
Tại khu vực tàu container KMTC Surabaya (quốc tịch Panama) và tàu hàng rời Glengyle (quốc tịch Hong Kong) trên luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu, các đơn vị như: HaivanShip, SOS, Tân Cảng Off Shore, Hưng Thái... tiếp tục vây nhiều lớp phao (bao gồm cả phao sông và phao biển) nhằm cô lập và hút dầu tràn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang (áo kẻ) và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường (áo xanh) thị sát việc xử lý hậu quả vụ tai nạn và chỉ đạo nhiều giải pháp tiếp theo.
Nước sông Lòng Tàu đã xanh trong trở lại. Hai con tàu bị nạn được đẩy sát bờ, cố định chắc chắn trên những chiếc phao "dã chiến" nặng hàng chục tấn và cả neo khủng nên không còn khả năng chuồi ra tim luồng, gây cản trở các phương tiện lưu thông.
Tại hai đầu khu vực tàu gặp nạn, lực lượng phối hợp (Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Cảnh sát Đường thủy TP.HCM, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh TP.HCM, Tân Cảng Sài Gòn, Hoa tiêu Hàng hải miền Nam…) đang tập trung cảnh báo, điều tiết phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn, không ách tắc.
Một tàu cẩu lớn (sức nâng hàng trăm tấn) cũng đã được điều động tới hiện trường, sẵn sàng cho việc cứu hộ các tàu bị nạn…
Sau khi nắm thêm tình hình khoanh vùng, thu gom dầu với 4 lớp phao quây (3 lớp tại hiện trường, 1 lớp ở phía hạ lưu), Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo: "Tại mỗi lớp phao, cần bố trí máy Skimmers để hút dầu tràn, triệt tiêu tối đa lượng dầu phát tán trên sông".

Vùng nước nơi hai tàu xảy ra va chạm đã sạch trở lại khi việc tràn dầu đã được khoanh vùng.
Cùng với đó, phải khẩn trương hút hết dầu trong khoang nhiên liệu của tàu Glengyle nhanh nhất có thể, phòng ngừa những bất trắc phát sinh. Đồng thời, có thể dùng vòi rồng bơm nước vào sâu bên trong các boong tàu hàng rời để đẩy dầu nổi lên và tiếp tục thu gom. Việc này, các đơn vị chủ lực chuyên nghiệp sẽ thực hiện.
Đối với các khu vực kênh rạch, Thứ trưởng Sang đề nghị địa phương bố trí lực lượng, dùng ca nô, ghe… để vớt những đám dầu còn lác đác nổi ở trong những con rạch nhỏ.
Cũng tại hiện trường, Thứ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM lựa chọn các đơn vị chuyên nghiệp sẵn sàng phương án di dời tàu bị nạn, thanh thải luồng sau khi phương án cứu hộ đã được phê duyệt. Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định.

Hai con tàu bị nạn đã được di dời và cố định chắc chắn sang biên luồng.
Ba ngày di dời hai tàu bị nạn sang biên luồng
Trước đó, vào khoảng 22h40 ngày 25/4, các đơn vị ghi nhận có vụ va chạm giữa hai tàu chở hàng, gồm tàu chở hàng container ký hiệu KMTC SURABAYA (quốc tịch Panama) và tàu chở hàng rời GENGLYLE (quốc tịch Hong Kong) tại khu vực cột đèn 15 trên sông Lòng Tàu thuộc xã An Thới Đông.
Sau va chạm, tàu chở hàng container bị hỏng phần mũi tàu và tàu chở hàng rời bị thủng phần lái (chìm phần lái), xuất hiện vết dầu tràn. Vụ tai nạn không có thương vong về người và không thiệt hại về hàng hóa.
Theo lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, Cảng vụ đã điều động tối đa phương tiện, nhân lực đến hiện trường. Cùng với các biện pháp ứng phó, xử lý tràn dầu, cảnh báo, điều tiết phân luồng giao thông… đồng thời thành lập ngay tổ điều tra.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn và thông luồng, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đã điều động 6 tàu lai công suất lớn để dịch chuyển hai tàu bị nạn sang biên luồng. Hỗ trợ UBND huyện Cần Giờ xử lý ô nhiễm do dầu tràn.
Các đơn vị phối hợp phải dùng các tàu lai lớn kết hợp với thủy triều lên mới có thể đẩy được các phương tiện bị nạn vào gần bờ.
Cảng vụ cũng huy động 2 neo (một neo 14 tấn và một neo 9 tấn) và 2 phao buộc (mỗi phao nặng 45 tấn) để cố định chắc chắn hai con tàu, không còn khả năng chuồi ra tim luồng. Cùng với việc kết hợp cảnh báo, điều tiết nên việc lưu thông thông suốt.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chỉ đạo các đơn vị phối hợp khẩn trương xử lý sự cố tràn dầu.
TP.HCM đánh giá cao khả năng xử lý sự cố của ngành Hàng hải
Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan sau chuyến khảo sát, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ghi nhận và đánh giá cao công tác xử lý tai nạn của ngành Hàng hải mà trực tiếp là Cảng vụ Hàng hải TP.HCM.
"Rất may, vụ tai nạn không gây ra thiệt hại về người và các đơn vị đã thực hiện tốt việc xử lý tràn dầu, di dời, cố định các tàu bị nạn sang biên luồng, công tác cảnh báo, phân luồng… Đặc biệt, có sự trực tiếp chỉ đạo rất quyết liệt và đầy kinh nghiệm từ lãnh đạo Bộ Xây dựng nên nhiều vấn đề phức tạp đã được triển khai nhanh chóng, hiệu quả…", ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Cần Giờ chủ trì, phối hợp với các đơn vị xử lý tràn dầu. Địa phương cũng đã nhanh chóng thành lập Sở chỉ huy tiền phương để xử lý sự cố.
Ông Võ Hữu Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, những ngày qua, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ phối hợp với các cơ quan chức năng thu gom được hơn 12 tấn hỗn hợp dầu loang.

Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện, lực lượng PCCC và CNCH (Công an TP.HCM) đang tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để cùng phối hợp đảm bảo an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ theo kế hoạch.
Cùng với đó là việc tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân thực hiện một số biện pháp đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Theo thống kê bước đầu, sự cố tràn dầu có thể gây ảnh hưởng trong bán kính 20km, với 17.00ha rừng ngập mặn ở Cần Giờ bị ảnh hưởng. Một số hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại…
Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường đề nghị ngành Hàng hải tiếp tục hỗ trợ địa phương thu gom hết dầu loang; đồng thời, yêu cầu địa phương tiếp tục thống kê những thiệt hại; các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp cả trước mắt và lâu dài việc xử lý sự cố tràn dầu, làm sạch môi trường, xử lý hậu quả vụ tai nạn.