Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Cần xây dựng mô phỏng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tập trung xây dựng sách toàn cảnh về cạnh tranh; ngay trong quý I/2025, phải xây dựng mô phỏng xử lý vụ việc về hạn chế cạnh tranh.

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia diễn ra vào chiều 2/1.

Thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, năm 2024, dù có sự điều chỉnh nhiều về công tác nhân sự, bộ máy tổ chức, song thành tích đạt được của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là rất khả quan trong cả 3 lĩnh vực: Cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, quản lý về bán hàng đa cấp.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân biểu dương, ghi nhận những thành tích này. Đồng thời, Thứ trưởng cũng ghi nhận, biểu dương sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị không chỉ trong bộ mà còn các đơn vị ngoài bộ, và đặc biệt là sự phối hợp giữa Ủy ban với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước.

Nhất trí với báo cáo mà Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chuẩn bị, song Thứ trưởng yêu cầu, đơn vị nhấn mạnh câu chuyện về quản lý nhà nước - đó không chỉ là quản lý, mà còn thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

“Quản lý là không chỉ là kiểm tra, giám sát, mà quan trọng vẫn là thúc đẩy. Từ thúc đẩy sẽ chuyển biến nhiều câu chuyện liên quan như: Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, sẽ dẫn đến thúc đẩy việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Về lĩnh vực quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Thứ trưởng đánh giá, năm 2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã thực hiện việc kiểm tra, giám sát hiệu quả đối với các doanh nghiệp được cấp phép. Tuy nhiên, ông cho rằng, dù được quản lý tốt, song lĩnh vực này luôn tiềm ẩn những rủi ro, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Do đó, “Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần nâng cao công tác phòng ngừa, chuẩn bị phương án để phản ứng nhất có thể” - Thứ trưởng yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có nhiều tiến triển. Việt Nam đã từng bước tham gia vào việc xây dựng pháp luật về cạnh tranh quốc tế. “Sắp tới đây, chúng ta sẽ tham gia vào xây dựng pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng xuyên biên giới” - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

Phát huy vai trò của cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực

Phát huy vai trò của cơ quan quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, để hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tiến hành điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu, năm 2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương trong việc tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp.

Hai là, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, phát hiện và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tập trung xây dựng sách toàn cảnh về cạnh tranh

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tập trung xây dựng sách toàn cảnh về cạnh tranh

Ba là, tăng cường thực thi Luật Cạnh tranh để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam; hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Trong đó, tập trung xác minh dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, tổ chức điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, đặc biệt là một số lĩnh vực mang tính chất nổi cộm; tăng cường hiệu quả phối hợp, tham vấn, trao đổi giữa cơ quan quản lý cạnh tranh và các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác kiểm soát các giao dịch tập trung kinh tế…

“Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tập trung xây dựng cuốn Sách toàn cảnh về cạnh tranh, từ đó đưa ra góc nhìn đầy đủ về lĩnh này; đồng thời tuyên truyền, cảnh báo, lưu ý đến các doanh nghiệp để thực hiện tốt pháp luật về cạnh tranh. Đặc biệt, ngay trong quý I/2025, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải xây dựng mô phỏng xử lý vụ việc về hạn chế cạnh tranh để chúng ta thực hành” - Thứ trưởng yêu cầu.

Bốn là, tập trung thực hiện kế hoạch triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và các văn bản hướng dẫn, nhằm sớm đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào cuộc sống; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Cần phát huy hơn nữa sự sáng tạo trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đó nâng cao được nguồn lực của các tổ chức xã hội trong công tác này” - Thứ trưởng nói.

Năm là, tiếp tục quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đồng thời, mạnh dạn hơn trong việc phối hợp các lực lượng chức năng từ trung ương đến các địa phương trong quản lý loại hình kinh doanh doanh theo phương thức đa cấp.

Sáu là, tiếp tục kiện toàn thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Bảy là, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành của công chức, điều tra viên, viên chức, người lao động, gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc.

Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương nhằm tăng cường hiệu quả công tác thực thi luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng thông qua các hình thức tham vấn, trao đổi thông tin, tài liệu hoặc các hoạt động hợp tác quốc tế; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thành viên đối với các tổ chức quốc tế về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng mà Ủy ban là thành viên; ký kết và triển khai MOU hợp tác về cạnh tranh và người tiêu dùng với cơ quan đối tác tiềm năng; đàm phán và thực hiện các cam kết về cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng và các nội dung có liên quan tại các FTA song phương/đa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: "Tôi tin tưởng với sự quyết tâm, đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động của toàn thể Ủy ban, cùng với việc phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao năm 2025".

Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-truong-nguyen-sinh-nhat-tan-can-xay-dung-mo-phong-xu-ly-vu-viec-han-che-canh-tranh-367626.html
Zalo