Thứ trưởng Bộ Y tế nói về khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 'vượt tuyến'
'Người bệnh bị ung thư ở tuyến huyện hay tuyến tỉnh không chữa được thì cho họ chuyển thẳng lên trung ương, làm gì phải bắt họ quay ra tuyến huyện xin, rồi lại lên tuyến tỉnh xin giấy', Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Chiều 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo về lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật đã được Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV thông qua và 1 pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Trong số 9 luật nêu trên, có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, luật sửa đổi có 8 nhóm điểm mới, trong đó, quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo cấp tỉnh; giữ ổn định tỷ lệ mức bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Trao đổi về vấn đề chuyển viện được người dân rất quan tâm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Bình thường khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, người dân thường được đăng ký ở cơ sở khám chữa bệnh cấp huyện như bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện.
Khi chuyển viện, người bệnh sẽ phải chuyển từ cơ sở y tế cấp huyện lên bệnh viện đa khoa tỉnh và sau đó lên bệnh viện tuyến trung ương. Việc này, theo ông Tuyên là "rất mất thời gian" trong khi có những bệnh yêu cầu phải chuyển ngay.
Thêm vào đó, ông Tuyên nêu, theo luật cũ vì xác định theo địa giới hành chính nên có trường hợp ở ngay sát cơ sở khám chữa bệnh, nhưng không được đăng ký khám chữa bệnh ở đó mà phải đi cơ sở tuyến huyện, cách cả chục km, gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân.
"Hay khi người dân đi công tác từ Hà Nội vào TPHCM, chỉ được thanh toán 100% bảo hiểm y tế khi cấp cứu. Còn nếu chỉ "hắt hơi, sổ mũi vào khám là phải nộp tiền". Sinh viên mua thẻ bảo hiểm y tế nhưng nghỉ Hè hay Tết về quê khi đi khám vẫn mất tiền và "rất bất cập"", ông Tuyên nêu.
Trước băn khoăn của phóng viên báo chí, liệu việc vượt tuyến bảo hiểm y tế này có gây "quá tải" cho cơ sở y tế tuyến trên hay không, ông Tuyên cho biết: Bộ Y tế sẽ có quy định "hàng rào kỹ thuật" để đảm bảo tuyến trên không bị quá tải. Cụ thể, sẽ chỉ có một số trường hợp được thông tuyến, ví dụ người bị bệnh nan y, bệnh mà tuyến huyện hay tuyến tỉnh không chữa được.
"Người bệnh bị ung thư ở tuyến huyện hay tuyến tỉnh không chữa được thì cho họ chuyển thẳng lên trung ương, làm gì phải bắt họ quay ra tuyến huyện xin, rồi lại lên tuyến tỉnh xin giấy. Tôi không loại trừ còn có "chuyện nọ, chuyện kia" trong chuyện xin giấy chuyển viện", ông Tuyên nói và nhấn mạnh vì lý do này, Bộ Y tế thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng kiên quyết phải cải cách hành chính.
Với hàng rào kỹ thuật, theo ông Tuyên, vừa đảm bảo giảm quá tải tuyến trên, vừa đồng thời kích cầu và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới.
"Muốn bệnh nhân khám ban đầu không đi tuyến trên thì tuyến dưới phải đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nâng cao năng lực con người", ông Tuyên nhấn mạnh.
Ông Tuyên thông tin thêm, luật giao Bộ Y tế quy định danh mục trường hợp được chuyển tuyến bảo hiểm y tế mà không cần giấy chuyển viện, điều này sẽ có hiệu lực ngay từ 1/1/2025. Hiện Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện thông tư và trình ban hành theo thủ tục rút gọn, để có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, giúp người dân hưởng lợi.