Thứ trưởng Bộ Y tế: Các sản phẩm từ tế bào đang đối mặt với thách thức về an toàn
Nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và sản phẩm từ tế bào là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, nhưng đối mặt với thách thức an toàn, chất lượng, vi phạm đạo đức trong nghiên cứu và quảng cáo quá sự thật.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đã nhấn mạnh điều này tại “Hội nghị đảm bảo chất lượng nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam” được tổ chức tại TP.HCM hôm 20.9.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết, hội nghị đảm bảo chất lượng nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam nhằm để đánh giá thực trạng, kết quả hoạt động nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và sản phẩm từ tế bào giai đoạn 2020-2024; quy định của các quốc gia và Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu trị liệu tế bào và các sản phẩm từ tế bào, định hướng lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu triển khai trong giai đoạn tiếp theo; tăng cường công tác quản lý chất lượng, nghiên cứu ứng dụng tế bào và các sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong những năm qua, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của ngành y tế có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, trong đó có công tác nghiên cứu các sản phẩm mới, phương pháp mới và nghiên cứu, ứng dụng tế bào, các sản phẩm từ tế bào đã bước đầu đưa ra phác đồ mới, kỹ thuật và sản phẩm mới, phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.
“Nghiên cứu ứng dụng trị liệu tế bào và sản phẩm từ tế bào là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ, nhưng đang đối mặt với thách thức an toàn, chất lượng, vi phạm đạo đức trong nghiên cứu và quảng cáo quá sự thật”, ông Thức nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức, hiện nay, ở các nước phát triển mới phổ biến nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng cho các phương pháp này, đặc biệt là tế bào và các tế bào gốc; còn việc ứng dụng vào điều trị được kiểm soát rất chặt chẽ bằng các quy định hết sức nghiêm ngặt.
Trong nghiên cứu ứng tế bào gốc tại Việt Nam, TP.HCM là địa phương đi đầu ở lĩnh vực này. Theo PGS-TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện TP có 38 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phê duyệt triển khai thực hiện các kỹ thuật liên quan tế bào gốc, trong đó có 13 bệnh viện tuyến TP, 3 bệnh viện tuyến quận, huyện và 22 bệnh viện tư nhân.
Ngoài ra, trên địa bàn TP còn có 3 bệnh viện trực thuộc các bộ ngành cũng thực hiện các kỹ thuật liên quan tế bào gốc.
Các cơ sở khám, chữa bệnh này ứng dụng tế bào gốc trong việc thực hiện ghép tủy, ghép tế bào gốc tạo máu nhằm điều trị các bệnh ung thư như: bệnh đa u tủy, bệnh u nguyên bào thần kinh…; điều trị bệnh lý thoái hóa khớp, ứng dụng kết hợp các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc điều trị bệnh lý da, tóc, thẩm mỹ…
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng việc triển khai nhiều dịch vụ điều trị bằng tế bào gốc tại các cơ sở y tế của TP vẫn còn thiếu sự thống nhất trong quy trình, giá cả và kiểm soát chất lượng của các dịch vụ này.
Cơ sở trong nước chưa sản xuất được thuốc điều trị, nguồn thuốc cung cấp không ổn định, thiếu hóa chất. Ngân hàng tế bào gốc hoạt động nhưng khó tìm được tế bào gốc phù hợp để ghép tế bào.
Ngoài ra, nhận thức của người dân về điều trị tế bào gốc còn hạn chế do sự lo ngại và nghi ngờ về tính an toàn, hiệu quả; điều trị tế bào gốc còn khá tốn kém, nhiều bệnh nhân khó tiếp cận do chi phí quá cao. Một số dịch vụ kỹ thuật tế bào gốc chưa được bảo hiểm y tế chi trả.