Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường: 'Dĩ bất biến ứng vạn biến' với thuế suất của Mỹ

Mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 70 tỉ USD trong năm 2025 có thể gặp thách thức trước chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Sáng ngày 3-4, bên lề Hội nghị Phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chia sẻ thông tin về chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trao đổi với báo chí

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trao đổi với báo chí

Cụ thể, chiều 2-4 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia (mức thuế 49% đối với 97% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ).

Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp và môi trường cũng như đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 70 tỉ USD sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức.

""Dĩ bất biến ứng vạn biến", Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nắm tình hình để điều tiết trên vai trò quản lý nhà nước, để công việc được xuyên suốt, không bỏ sót địa bàn, không bỏ sót nhiệm vụ" - ông Tiến chia sẻ.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ NN-MT cho biết năm 2024, nông lâm thủy sản Việt Nam có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đứng đầu với kim ngạch với 13,8 tỉ USD.

Trong thời gian qua, nông sản Việt Nam vào thị trường Mỹ đã vượt qua nhiều rào cản như thuế chống bán phá giá, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và đạt được những kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, "dĩ bất biến ứng vạn biến" - Thứ trưởng Bộ NN-MT khẳng định. Theo đó, ngành Nông nghiệp - Môi trường phải tập trung cho chỉ đạo sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá thành hạ, để cạnh tranh với các thị trường khác.

Cùng với đó, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ là Đối tác Chiến lược Toàn diện, do vậy cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Mỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại của hai quốc gia và tìm giải pháp.

Trước đó, ngày 1-4-2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược.

Việt Nam với vị thế là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất và có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và có diện mặt hàng xuất nhập khẩu đa dạng. Do vậy, nhiều đối tác đề nghị Việt Nam xây dựng khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược, đưa vào các chương trình phối hợp song phương.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn, thí dụ như: Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU).

Vì vậy, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.

Lê Thúy

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thu-truong-bo-nong-nghiep-va-moi-truong-di-bat-bien-ung-van-bien-voi-thue-suat-cua-my-196250403111151053.htm
Zalo