Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Bỏ tư duy 'không quản được thì cấm' khi xây dựng pháp luật

Sáng ngày 26/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác pháp chế năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Soạn thảo, ban hành gần 500 văn bản QPPL

Năm 2024, công tác pháp chế của Bộ NN&PTNT được triển khai thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen tuy nhiên về cơ bản đã đạt kế hoạch và tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đạt kết quả cao.

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đến ngày 31/12/2024, Hệ thống văn bản QPPL do Bộ chủ trì soạn thảo trình và ban hành là 470 văn bản gồm: 10 luật, 01 nghị quyết, 72 Nghị định, 45 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 33 thông tư liên tịch, 290 thông tư, 18 quyết định của Bộ trưởng, 01 Chỉ thị. Kế hoạch năm 2024, Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ 09 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đã ban hành 04 Nghị định, 01 Quyết định. Bộ trưởng ban hành 24 thông tư. Hoàn thành 100% kế hoạch. Ngoài ra, Bộ trưởng còn ban hành 01 Thông tư ban hành QCVN về thức ăn chăn nuôi. Tổng số Thông tư ban hành năm 2024 là 25 Thông tư.

Đối với công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, Bộ xử lý 80 văn bản, gồm: 04 Luật, 16 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 58 Thông tư. Theo kết quả rà soát: Dừng xử lý 04 Luật/80 văn bản; Đã hoàn thành việc xử lý: 46/80 văn bản; Chưa hoàn thành xử lý: 30/80 văn bản, trong đó gồm 09 Nghị định, 21 Thông tư. Tuy triển khai nhiều hoạt động rà soát nhưng với khối lượng văn bản lớn, thời gian gấp, một số trường hợp trùng lặp về phạm vi rà soát còn chậm, kéo dài, phải thực hiện theo lộ trình, chưa sửa ngay tất cả các văn bản QPPL.

Về theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Bộ đã ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác thi hành pháp luật về vi phạm hành chính năm 2024. Kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực NN&PTNT năm 2024 đối với 02 Sở NN&PTNT Hải Dương và Bắc Kạn.

Tham gia Đoàn kiểm tra công tác xử phạt VPHC do Bộ Tư pháp chủ trì để kiểm tra công tác xử lý VPHC tại các địa phương: Bạc Liêu, Tây Ninh. Phối hợp chặt chẽ trong việc góp ý, thẩm định các Nghị định liên quan đến xử phạt VPHC do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng để kịp thời đề xuất xử lý vướng mắc trong thi hành pháp luật về xử phạt VPHC lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Võ Văn Hưng trao bằng khen cho các cá nhân, đơn vị có thành tích.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Võ Văn Hưng trao bằng khen cho các cá nhân, đơn vị có thành tích.

Các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Võ Văn Hưng đánh giá cao báo cáo về công tác pháp chế và các ý kiến tham luận tại Hội nghị. Báo cáo đã chỉ rõ cụ thể cả những việc đã làm được và chưa làm được của năm 2024 và tìm ra được nguyên nhân, giải pháp khắc phục của từng vấn đề. Thứ trưởng ghi nhận đóng góp của đội ngũ làm công tác pháp chế của Bộ, của ngành trong việc trong việc xây dựng, đồng bộ, chuẩn hóa, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật. Vụ Pháp chế đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc chỉ đạo, điều hành công tác xây dựng văn bản pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản hơn, khoa học hơn.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, Thứ trưởng Võ Văn Hưng cũng đề nghị các đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tập trung theo các nhóm sau: Nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, chính sách; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; Đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng với “ba bảo đảm”, đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành với mục tiêu “chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật”; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương; Cải cách thủ tục hành chính; Kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”. Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Ban cán sự

Mục tiêu hoàn thành 100% Kế hoạch xây dựng văn bản QPPL năm 2025 của Bộ, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đúng quy trình quy định. Tập trung xử lý các “điểm nghẽn” hiện nay của các văn bản quy phạm pháp luật đã được xác định thông qua quá trình rà soát, theo dõi thi hành pháp luật, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần triển khai thực hiện hiệu quả 02 Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT giai đoạn đến năm 2030” và Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phục vụ Chiến lược phát triển NN&NT bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Năm 2025, trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, Bộ tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật để phát huy nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Năm 2025, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển Ngành 5 năm 2021 – 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm thứ tư thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, công tác pháp chế của Bộ tập trung thực hiện các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết, Kết luận…. của BCH Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhất, Chiến lược phát triển NN&NT bền vững giai đoạn 2021 – 2030 để góp phần tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Gia Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thu-truong-bo-nong-nghiep-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-khi-xay-dung-phap-luat-post536156.html
Zalo