Thứ trưởng Bộ NN-PTNT lo ngại bão số 4 gây mưa lớn cho miền Trung
Ngày 18.9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung nhằm chỉ đạo công tác triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đang mạnh dần lên, đến 10 giờ ngày 19.9, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão với cường độ cấp 8, giật cấp 10, tâm bão trên vùng biển ven bờ từ Quảng Trị - Quảng Nam, cách Quảng Trị khoảng 110km về phía đông đông nam.
Đến chiều 19.9, bão đi vào đất liền Quảng Trị - Quảng Nam, sau đó suy yếu. Từ ngày 18 - 19.9, từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to từ 100-300mm, có nơi trên 500mm; Thanh Hóa, Nghệ An từ 70-150mm, có nơi trên 250mm; Tây Nguyên từ 40-80mm, có nơi trên 150mm.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 11 giờ ngày 18.9, đã kiểm đếm, hướng dẫn 66.960 tàu/306.725 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh; không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm. Tỉnh Quảng Bình cũng cấm biển từ 0 giờ ngày 19.9.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, tính đến 13 giờ ngày 18.9, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Bình Định hiện có 80.024ha, 22.152 lồng, bè, 684 chòi canh nuôi thủy sản và 83 ngư dân. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, diện tích lúa hè thu chưa thu hoạch còn 12.000ha; 113.000ha lúa mùa đang giai đoạn chín sáp - chín sữa, chuẩn bị thu hoạch.
Các tỉnh Nam Trung Bộ còn lại 19.000ha lúa hè thu đang chuẩn bị thu hoạch; lúa mùa, diện tích chưa thu hoạch 25.000ha đang giai đoạn chín sáp, chuẩn bị thu hoạch.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng cho biết, các địa phương đã chủ động lập các đoàn kiểm tra khu vực bến thuyền, hồ, đập, lập các phương án ứng phó, huy động các lực lượng, phương tiện, vật tư, sẵn sàng ứng phó với tình huống thiên tai xảy ra.
Đại tá Phạm Hải Châu, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) khuyến cáo, từ bài học thực tế của cơn bão số 3, để ứng phó với bão số 4 có thể gây mưa lớn, các địa phương cần nhanh chóng rà soát các khu vực sạt lở, bởi sạt lở rất khó dự báo. Thông báo báo động đến từng hộ dân khi có tình huống khẩn cấp một cách nhanh nhất, tốt nhất để người dân di chuyển.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý dự kiến áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão khi áp sát bờ biển của nước ta. Hiện áp thấp đang di chuyển chậm nên "rất lo lắng bão có thể nạp thêm năng lượng".
Theo ông Hiệp, các mô hình dự báo đều thống nhất nếu bão số 4 có hình thành thì cũng không lớn về cường độ, gió giật cấp 10 là cao nhất. Tuy nhiên, quan ngại nhất là hoàn lưu bão gây mưa khá lớn, tập trung vào Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, một phần Quảng Ngãi và "không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ngập lụt, lũ quét như năm 2020".
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương chuẩn bị phương án ứng phó, không được chủ quan trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp.