Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng: Tập trung phát triển thương mại nông sản, xúc tiến đầu tư hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực.

Chiều 19/12, tại Tokyo, Nhật Bản, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Á - châu Phi.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, đồng thời thúc đẩy xúc tiến đầu tư hiệu quả. Các bộ, ngành liên quan đã thảo luận về việc tối ưu hóa thị trường xuất khẩu, cải thiện quy trình quản lý chất lượng nông sản, và nâng cao hiệu quả công tác của các thương vụ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị

Trong các mặt hàng hiện nay, mỗi thương vụ chúng ta làm rất tốt, ai cũng muốn mở mặt hàng này, mặt hàng kia cho mình. Tuy nhiên, tổng hợp lại, ví dụ như mặt hàng gạo, cà phê, hạt điều bây giờ đang có lợi thế và đang đứng trong những top đầu của thế giới. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phải tham mưu, báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ những mặt hàng chủ lực cho từng thị trường.

Các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã chiếm lĩnh được thị phần, có vị trí nhất định, nên phải tính toán. "Những thị trường nào khó khăn thì không nên tập trung nhiều, mà nên hướng vào các thị trường có lợi thế" - Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Cùng với đó, liên quan tới việc mở cửa cho các sản phẩm từ nước ngoài, Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời báo cáo Chính phủ. Đối với các vấn đề khác, Thứ trưởng đề nghị tất cả các thương vụ tập hợp thông tin để tổng hợp và báo cáo cho lãnh đạo Bộ.

Đồng thời, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, việc mở cửa các mặt hàng cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Thị trường nào phù hợp và đem lại hiệu quả thì nên ưu tiên. Ví dụ, nếu có cơ hội mở rộng thị trường cho sản phẩm thịt bò, chúng ta cần tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ về những góc độ phù hợp. Có nhiều mặt hàng mà Bộ Công Thương có thể độc lập mở cửa. Nhưng cần cân nhắc, nếu thị phần tại các nơi khác đang tràn đầy hoặc không phù hợp, thì không nên cho phép mở cửa dẫn đến cạnh tranh không cần thiết. Thứ trưởng mong muốn các thương vụ thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Hiện nay, công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, đặc biệt là với các thương vụ đang gặp nhiều khó khăn. Tất cả các chuyến đi xúc tiến đầu tư, nhất là các cuộc gặp cấp cao, gần như các thương vụ phải gánh vác công việc chung của đất nước. Đây là nhiệm vụ, tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư cần có sự phối hợp hiệu quả.

Ví dụ, việc đưa doanh nghiệp về Thái Bình để mở rộng sản xuất không chỉ giúp xúc tiến bán hàng mà còn tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước. Thứ trưởng Phan Thị Thắng lấy dẫn chứng và đề nghị phải làm rõ vấn đề kêu gọi đầu tư trong giai đoạn hiện nay.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thanh toán trong lĩnh vực này còn nhiều vấn đề cần được làm rõ. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các vấn đề liên quan đến thương mại nông nghiệp nên đưa về Bộ Công Thương quản lý. Còn những việc về quản lý chất lượng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tốt nên tiếp tục đảm nhiệm. Nếu không, việc bán hàng sẽ gặp khó khăn vì hàng đầu tiên chất lượng tốt, nhưng hàng sau không đạt, dẫn đến mất uy tín.

Về phía nội bộ, các kiến nghị liên quan đến tài chính, chế độ công tác, Thứ trưởng giao các Vụ chức năng sớm quan tâm và đề xuất để giải quyết dứt điểm.

Từ ngày 18 đến ngày 22/12/2024, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng; chủ trì Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi...

Tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong chuyến công tác tại Nhật Bản còn có Thứ trưởng Phan Thị Thắng cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Báo Công Thương...

Bên cạnh Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản và Hội nghị Tham tán thương mại khu vực châu Á - châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc bên lề với các đối tác tại Nhật Bản...

Nguyên Minh từ Tokyo, Nhật Bản

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-truo-ng-bo-cong-thuong-phan-thi-thang-tap-trung-phat-trien-thuong-mai-nong-san-xuc-tien-dau-tu-hieu-qua-365212.html
Zalo