Thu thập mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 18/4, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Bộ Công an phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh, Sở Nội vụ thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức thu mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính và tri ân các Anh hùng Liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Theo kế hoạch, từ 8h đến 16h ngày 18/4, các đơn vị sẽ thu mẫu ADN cho 64 thân nhân của 33 Liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Đối với những trường hợp già yếu, đi lại khó khăn, các bên sẽ đến thu mẫu lưu động tại nhà.

Nhiều thân nhân của Liệt sĩ chưa xác định được danh tính đến thu nhận mẫu ADN.

Nhiều thân nhân của Liệt sĩ chưa xác định được danh tính đến thu nhận mẫu ADN.

Đây là một phần trong kế hoạch rà soát toàn quốc nhằm xác minh danh tính các Liệt sĩ thông qua phân tích ADN, trong đó ưu tiên những trường hợp thân nhân bên ngoại như mẹ ruột hoặc người thân họ ngoại còn sống. Trong đợt lấy mẫu tại TP Hồ Chí Minh lần này, có 31 người là mẹ ruột của Liệt sĩ, một trường hợp là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và 32 người là các thân nhân thuộc họ ngoại khác.

Từ 8h đến 16h ngày 18/4, các đơn vị thu mẫu ADN cho 64 thân nhân của 33 Liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Từ 8h đến 16h ngày 18/4, các đơn vị thu mẫu ADN cho 64 thân nhân của 33 Liệt sĩ chưa xác định được danh tính.

Ông Đỗ Nghĩa Dũng (ngụ phường 6, quận Tân Bình) có anh trai là Hạ sĩ Đỗ Văn Long (SN 1953), bộ đội thuộc đơn vị KB - Bộ Tư lệnh Thủ đô, đã hy sinh ngày 1/7/1972 tại mặt trận phía Nam, được xác nhận là liệt sĩ và an táng tại nghĩa trang mặt trận. Ông Dũng và gia đình nhận được giấy báo tử và chứng nhận Liệt sĩ của anh trai vào ngày 25/1/1976 do Bộ Tư lệnh Thủ đô cấp.

Theo ông Dũng, cha ông đã mất, còn mẹ nay đã già yếu. Suốt mấy chục năm qua, gia đình ông vẫn không ngừng tìm kiếm thông tin về nơi an nghỉ của anh trai và nuôi hy vọng có ngày tìm lại phần mộ của Liệt sĩ Đỗ Văn Long.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh cho biết, việc tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt Liệt sĩ là nhiệm vụ có ý nghĩa nhân văn.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh cho biết, việc tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt Liệt sĩ là nhiệm vụ có ý nghĩa nhân văn.

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt Liệt sĩ là nhiệm vụ có ý nghĩa, nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Chương trình không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của các Anh hùng Liệt sĩ mà còn là sự thấu hiểu, sẻ chia với những mất mát lớn lao của các gia đình. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị vì nhiều Liệt sĩ đã hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến khác nhau, ở nhiều địa bàn trên cả nước.

Việc lấy mẫu ADN từ thân nhân cho phép đối chiếu với mẫu hài cốt đang lưu giữ trong Ngân hàng Gen liệt sĩ.

Việc lấy mẫu ADN từ thân nhân cho phép đối chiếu với mẫu hài cốt đang lưu giữ trong Ngân hàng Gen liệt sĩ.

Theo Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, sau chiến tranh, nhiều Liệt sĩ hy sinh mà không để lại giấy tờ, được quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ nhưng phần lớn mộ vẫn chưa xác định được danh tính. Dù người thân còn sống và đăng ký tìm kiếm, nhưng do không có mẫu ADN đối chiếu, việc xác minh danh tính liệt sĩ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, việc lấy mẫu ADN từ thân nhân, đặc biệt là bên họ ngoại, cho phép đối chiếu với mẫu hài cốt đang lưu giữ trong Ngân hàng Gen liệt sĩ. Nếu trùng khớp, Liệt sĩ sẽ được xác định danh tính một cách khoa học, chính xác.

Phú Lữ - Bến Đoàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/thu-thap-mau-adn-than-nhan-liet-si-chua-xac-dinh-danh-tinh-tai-tp-ho-chi-minh-i765556/
Zalo