Thử thách giữ mặt bằng lãi suất huy động thấp trong bối cảnh áp lực gia tăng

Lãi suất huy động tại phần lớn ngân hàng giữ ổn định trong tháng 5, xu hướng giảm đang chững lại. Dư địa điều chỉnh tiếp không còn nhiều, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, trong khi áp lực tỷ giá, duy trì thanh khoản hệ thống và giữ biên lãi ròng (NIM) gặp nhiều thách thức.

Tính đến giữa tháng 5/2025, lãi suất tiền gửi cá nhân tại 36 ngân hàng nhìn chung ít biến động. Ảnh minh họa

Tính đến giữa tháng 5/2025, lãi suất tiền gửi cá nhân tại 36 ngân hàng nhìn chung ít biến động. Ảnh minh họa

Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho thấy, trong 4 tuần qua, tính đến giữa tháng 5/2025, lãi suất tiền gửi cá nhân tại 36 ngân hàng nhìn chung ít biến động, chỉ có 7 ngân hàng điều chỉnh lãi suất, bao gồm 4 ngân hàng giảm, 1 ngân hàng tăng và 2 ngân hàng vừa tăng vừa giảm tùy kỳ hạn.

Xu hướng giảm lãi suất huy động có dấu hiệu chững lại

Theo đó, VCBNeo là đơn vị có mức giảm mạnh nhất, hạ 0,3 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 6 - 36 tháng tại quầy xuống còn 5,2 - 5,45%/năm và kỳ hạn 6 - 60 tháng gửi online xuống 5,4 - 5,55%/năm. Hiện mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,55%/năm cho kỳ hạn 13 - 60 tháng gửi online. Cùng với đó, ba ngân hàng khác gồm Indovina, VietABank và OCB ghi nhận mức giảm nhẹ hơn, từ 0,1 - 0,2%, áp dụng cho cả hình thức gửi tại quầy và online ở hầu hết các kỳ hạn, từ không kỳ hạn đến 60 tháng.

Ngược lại, BacABank điều chỉnh tăng lãi suất đáng kể đối với các khoản tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 - 9 tháng tăng 0,4%, lên mức 4,1 - 5,65%/năm; các kỳ hạn 12 - 36 tháng tăng thêm 0,2 - 0,3% lên mức 5,9 - 6,2%/năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất hiện nay tại BacABank, áp dụng cho kỳ hạn 18 - 36 tháng gửi tại quầy.

Trong khi đó, GPBank và Eximbank có động thái điều chỉnh linh hoạt, tăng từ 0,05 - 0,3% và giảm từ 0,1 - 0,2%, tùy từng kỳ hạn. GPBank hiện đang áp dụng mức cao nhất là 5,95%/năm cho kỳ hạn 12 - 36 tháng gửi online. Eximbank niêm yết mức cao nhất 5,6%/năm cho kỳ hạn 18 - 36 tháng gửi online, riêng vào thứ bảy và chủ nhật, lãi suất tăng thêm lên 5,7%/năm cho cùng kỳ hạn.

Bơm thanh khoản duy trì lãi suất thấp nhưng vẫn lo áp lực tỷ giá

“Lãi suất huy động đang có thể kìm giữ nhờ Ngân hàng Nhà nước. Nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục bơm thanh khoản nhiều cho hệ thống thì lãi suất vẫn duy trì thấp. Cùng với đó, nếu các ngân hàng bắt đầu rục rịch đà tăng lãi suất liền ngay lập tức nhà điều hành sẽ can thiệp. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt, nếu giữ lãi suất thấp trong bối cảnh hiện tại, áp lực tỷ giá sẽ rất lớn. Dù đồng USD đang có xu hướng suy yếu, nhưng VND vẫn tiếp tục mất giá so với USD, tức xảy ra tình trạng suy yếu kép" - PGS. TS Nguyễn Hữu Huân nhìn nhận.

Trong báo cáo mới công bố, nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, xu hướng giảm lãi suất huy động trong tháng trước đang có dấu hiệu chững lại. Một số ngân hàng như OCB, Nam A Bank và VPBank vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong tháng 4. Tính đến cuối tháng 4/2025, lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng giảm khoảng 0,12% so với cuối năm 2024. Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm mạnh hơn, ước tính khoảng 0,6% trong quý đầu năm 2025, theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo nhóm phân tích VDSC, trong ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước vẫn có dư địa điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt để đảm bảo thanh khoản lành mạnh. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực nếu chính sách thuế quan vẫn duy trì ở mức cao sau đàm phán hoặc có sự chênh lệch lớn so với các quốc gia trong khu vực, điều này có thể tạo ra áp lực lớn lên chính sách điều hành, gây biến động tỷ giá và dòng vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản và mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế.

Tỷ giá và NIM chịu thử thách

Cũng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dư địa để các ngân hàng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2025 là không còn dư dả.

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang được kìm giữ phần lớn nhờ chính sách điều hành của NHNN. Dù vậy, nếu tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất thấp, áp lực lên tỷ giá sẽ ngày càng lớn, đặc biệt khi kinh tế quốc tế đang tiềm ẩn nhiều biến động khó lường. Trong trường hợp xuất khẩu sụt giảm mạnh do tác động từ chiến tranh thương mại hay biến động toàn cầu, tỷ giá sẽ trở thành điểm nóng và khó kiểm soát trong thời gian tới.

Theo phân tích của chuyên gia này, khi nhìn sang tỷ giá EUR, mức tăng càng rõ, từ mức 27.000 VND/EUR trước đây, nay đã lên đến 29.000 đồng hoặc hơn, phần lớn do VND neo chặt vào USD, trong khi USD lại giảm giá so với các đồng tiền mạnh khác.

Cũng theo nhóm phân tích từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS), Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ thị trường mở nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngắn hạn, đồng thời duy trì định hướng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, NIM ngành ngân hàng đang bị thu hẹp cũng là vấn đề được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần quan tâm. Trong quý I/2025, nhiều ngân hàng ghi nhận mức giảm NIM đáng kể, phản ánh tác động của mặt bằng lãi suất thấp và áp lực cạnh tranh trong hoạt động cho vay, duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế.

Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường tại Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), nhận định NIM của một số ngân hàng thu hẹp, đặc biệt thể hiện rõ trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2025. Điều này được đặt trong bối cảnh các ngân hàng cần chia sẻ lợi nhuận và thể hiện trách nhiệm đối với nền kinh tế và thị trường thông qua việc triển khai các gói tín dụng với lãi suất hợp lý nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Mặt bằng lãi suất đối mặt nhiều sức ép

Trong báo cáo mới đây về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Tính đến giữa tháng 4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản vay phát sinh mới của khối ngân hàng thương mại đạt khoảng 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Trong đó, lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian qua, khiến dư địa điều chỉnh tiếp trở nên hạn hẹp. Đồng thời, nhu cầu tín dụng dành cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng được dự báo sẽ tăng mạnh nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi đó, khả năng huy động vốn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể gặp khó khăn do sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác...

Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, chính sách tiền tệ sẽ được phối hợp đồng bộ, hài hòa và chặt chẽ với chính sách tài khóa cũng như các chính sách vĩ mô khác, nhằm đạt được mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ gắn với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-thach-giu-mat-bang-lai-suat-huy-dong-thap-trong-boi-canh-ap-luc-gia-tang-176695-176695.html
Zalo