Thu quả ngọt trên vùng đất khó
Từ những mảnh ruộng khô cằn của gia đình, chị Vì Thị Hải Hậu (sinh năm 1991, dân tộc Thái, ở xóm Na Cà, xã Vũ Chấn, Võ Nhai) đã biến thành nông trại dâu tây xanh tốt, kết hợp với làm du lịch trải nghiệm. Mô hình này không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần đánh thức tiềm năng nơi vùng đất khó.
![Chị Vì Thị Hải Hậu đóng dâu tây cho khách hàng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_458_51481933/e0aece46fd0814564d19.jpg)
Chị Vì Thị Hải Hậu đóng dâu tây cho khách hàng.
Ở xã Vũ Chấn, hầu hết mọi người đều biết đến nông trại của chị Vì Thị Hải Hậu bởi đây là mô hình “hiếm có” tại nơi vùng cao này. Khi chúng tôi đến thăm, chị Hậu và các thành viên trong gia đình đang chăm sóc, thu hái dâu tây, bên cạnh đó là nhiều khách đến tham quan, chụp ảnh vườn dâu.
Chia sẻ về “cơ duyên” đưa cây dâu tây về trồng trên đồng đất Vũ Chấn, chị Hậu cho hay: Tôi quê ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, về làm dâu ở Vũ Chấn đã gần 10 năm. Thổ nhưỡng ở đây tương tự như các vùng trồng dâu ở Sơn La và khí hậu khá mát mẻ, là điều kiện thuận lợi trồng dâu tây.
Với số tiền tích góp và vay mượn thêm, gia đình chị Hậu đã bỏ ra hơn 200 triệu đồng để đầu tư cải tạo 15 sào đất cấy lúa, trồng ngô; lắp hệ thống tưới nước tự động, tưới nhỏ giọt; xây dựng nhà kho; thiết kế khu chụp ảnh cho du khách...
Tháng 6-2024, chị mua 5.000 cây dâu, giống Hana, với giá 8.000 đồng/cây về trồng vụ đầu tiên. Tưởng chừng như mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ, thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn trồng, cây dâu bị chết hết gây thiệt hại 40 triệu đồng. Nguyên nhân là do thời điểm trồng gặp thời tiết nắng hạn kéo dài.
Sau khi thất bại vụ đầu tiên, chị Hậu tiếp tục học hỏi thêm từ anh em, bạn bè có kinh nghiệm tại những vùng trồng dâu nổi tiếng ở tỉnh Sơn La. Đến tháng 9-2024, gia đình chị tiếp tục đầu tư 120 triệu đồng mua 20.000 cây dâu để trồng mới. Với sự chăm sóc tỉ mỉ, cộng với thời tiết thuận lợi nên cây dâu sinh trưởng, phát triển tốt, sau 3 tháng đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
![Các thành viên trong gia đình chị Vì Thị Hải Hậu chăm sóc dâu tây.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_458_51481933/a76f9587a6c94f9716d8.jpg)
Các thành viên trong gia đình chị Vì Thị Hải Hậu chăm sóc dâu tây.
Đến thời điểm này, mỗi ngày gia đình chị Hậu thu hoạch từ 50-300kg dâu, giá bán 200 nghìn đồng/kg; dự kiến tiếp tục cho thu hái đến hết tháng 4 tới. Dâu tây được trồng hoàn toàn theo hướng hữu cơ nên quả to đều, đỏ mọng, ngọt thanh.
Chị Hậu chia sẻ: Dâu tây chín đến đâu tôi bán hết đến đó, nhiều hôm không có để bán. Khách hàng chủ yếu là người dân trong huyện và người đến tham quan.
Là mô hình mới nơi vùng cao nên nông trại trồng dâu tây của chị Hậu đã trở thành địa điểm được nhiều người tìm đến tham quan, chụp ảnh và mua quả mang về. Từ tháng 1 đến nay, trung bình mỗi ngày nông trại của chị Hậu đón hàng chục lượt khách tới tham quan miễn phí, chỉ khi nào khách muốn tự tay hái dâu, chị Hậu mới tính tiền.
Thành quả bước đầu đạt được sau nhiều cố gắng đang tạo thêm động lực để chị Hậu quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên vùng đất khó. Chia sẻ về dự định của mình trong thời gian tới, chị Hậu cho biết: Gia đình tôi dự định mở rộng diện tích ở vụ dâu tiếp theo. Đồng thời sẽ đầu tư thêm hệ thống nhà màng, nhà lưới để tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm dâu tây của gia đình. Ngoài ra, tôi cũng sẽ tích cực quảng bá, giới thiệu nông trại dâu tây của gia đình trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút đông đảo khách tới tham quan, trải nghiệm.
Ông Nguyễn Xuân Chờ, Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn, cho biết: Bằng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chị Vì Thị Hải Hậu đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương. Đây là mô hình để cho người dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên trong xã học tập. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ để gia đình chị Hậu mở rộng diện tích, chia sẻ kinh nghiệm với người dân để cùng nhau phát triển.