Thủ phủ công nghiệp Bình Dương đón 1,8 tỷ USD chỉ trong 1 ngày

Bình Dương vừa trao quyết định và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 1,8 tỷ USD. Trước đó, tính đến hết tháng 8, tỉnh đã thu hút gần 42 tỷ USD vốn FDI.

Ngày 26/9, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư, có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trao quyết định đầu tư cho 8 dự án

Tại hội nghị, tỉnh đã trao quyết định và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 1,8 tỷ USD.

Trong đó, 4 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm dự án của Công ty TNHH Công nghệ chính xác D.mag Việt Nam (sản xuất nhôm, sắt thép và kim loại) với vốn đầu tư 120 triệu USD; dự án nhà máy 2 của Công ty TNHH Paihong Việt Nam (sản xuất vải), vốn đầu tư sau khi đăng ký bổ sung là 400 triệu USD.

Dự án Dịch vụ hạ tầng Sembcorp Bình Dương (cho thuê kho bãi, nhà xưởng) vốn đầu tư 51,5 triệu USD và dự án của Công ty Tektro Technology Việt Nam (sản xuất phụ kiện xe đạp) với tổng vốn đầu tư 38 triệu USD.

 Bình Dương trao quyết định và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 1,8 tỷ USD. Ảnh: Báo Bình Dương.

Bình Dương trao quyết định và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 1,8 tỷ USD. Ảnh: Báo Bình Dương.

4 dự án còn lại được trao chủ trương đầu tư, gồm dự án Khu đô thị Bắc An Tây do Liên danh Công ty TNHH đầu tư Biển đẹp Phú Quốc và Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long làm chủ đầu tư với hơn 451 triệu USD.

Dự án Khu đô thị Đông An Tây do Liên danh Công ty TNHH Lan Anh - Phú Quốc và Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long làm chủ đầu tư, tổng vốn 550 triệu USD.

Bên cạnh đó là dự án Khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ ven sông Sài Gòn do CTCP Phú Cường Bình Dương làm chủ đầu tư, số vốn hơn 140 triệu USD và dự án Cảng cạn ICD Rạch Bắp, vốn đầu tư hơn 57 triệu USD.

Trên thực tế, với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư.

Lũy kế đến cuối tháng 8, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 4.300 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 42 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư trên cả nước. Riêng 9 tháng đầu năm nay, tỉnh đã thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Sau khi công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ tổ chức lại không gian lãnh thổ, định hướng tổng thể phát triển và thu hút đầu tư, tạo động lực thực hiện các đột phá chiến lược trong thời gian tới dựa trên nền tảng về hạ tầng, chuyển đổi số, phát triển xanh, thông minh và bền vững.

Tin tưởng Bình Dương sẽ tiếp tục bứt phá

Chiều cùng ngày, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tỉnh có nhiều tiềm năng khác biệt và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đặc biệt, Bình Dương có vị trí quan trọng, kết nối các vùng trọng điểm, kết nối quốc gia, quốc tế, cần khai thác tối đa thế mạnh này để phát triển.

"Chúng ta có nhiều ấn tượng, hạnh phúc và tự hào về những kết quả của Bình Dương trong phát triển nhanh, bền vững, xây dựng Bình Dương theo xu thế thành phố thông minh của thế giới và không còn hộ nghèo", Thủ tướng nói và đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo, người dân tỉnh.

Dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại và thách thức của Bình Dương. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng tỉnh vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 còn thấp hơn mức bình quân của cả nước.

Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án quốc gia quan trọng vẫn còn chậm. Cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh cần có thêm nỗ lực, phát triển bền vững và toàn diện cần được chú trọng hơn.

 Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Vì vậy thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bình Dương phát triển bứt phá, tăng tốc mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả lĩnh vực, với "3 tiên phong".

Trong đó, Bình Dương cần tiên phong kết nối nền kinh tế với vùng, khu vực, quốc gia, quốc tế, đặc biệt là giao thông xanh và số hóa với Campuchia, với Tây Nguyên qua Bình Phước, với Tây Nam Bộ qua TP.HCM. Đồng thời, kết nối quốc gia, quốc tế qua Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.

Mặt khác, tỉnh phải tiên phong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm, với trọng tâm là số hóa và xanh hóa nền kinh tế.

Thủ tướng cũng đề nghị Bình Dương tiên phong xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới, tập trung vào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng phát triển khu công nghiệp thế hệ mới theo hướng xanh, số, công nghệ cao, thông minh cùng với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng với vị trí chiến lược của Bình Dương là cực tăng trưởng quan trọng của vùng động lực phía Nam và nằm trong nhóm 3 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, tỉnh sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.

Với đà phát triển những năm qua, cùng với khát vọng và quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân, Bình Dương sẽ không ngừng phát huy vị thế thủ phủ công nghiệp hiện đại, hướng tới trở thành thủ phủ công nghiệp hàng đầu Việt Nam.

"Tỉnh cũng phải phấn đấu phát triển những sản phẩm thông minh, hiện đại hơn, sớm trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030 theo hướng thành phố thông minh, đáp ứng kỳ vọng của người dân", Thủ tướng bày tỏ.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/thu-phu-cong-nghiep-binh-duong-don-1-8-ty-usd-chi-trong-1-ngay-post1500300.html
Zalo