'Thủ phủ' chuối ở Hưng Yên đìu hiu ngày cận Tết

Cả năm, người dân trồng chuối ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) chỉ trông chờ vào vụ Tết. Thế nhưng, cơn bão số 3 (Yagi) càn quét khiến hàng trăm hecta chuối bị xóa sổ gần như hoàn toàn. Thời điểm này những năm trước, trên nhiều con đường dẫn vào vựa chuối lớn nhất nhì miền Bắc này tấp nập xe vào thu mua chuối, còn năm nay, khung cảnh trở nên đìu hiu.

 Diện tích chuối của gia đình bị hư hỏng, bà Lê Thị Dung (thôn Phương Trù, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu) phải đi làm thuê để có tiền lo cho cái Tết đang cận kề

Diện tích chuối của gia đình bị hư hỏng, bà Lê Thị Dung (thôn Phương Trù, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu) phải đi làm thuê để có tiền lo cho cái Tết đang cận kề

"Thắt lưng buộc bụng" đón Tết

Nằm trải dài trên triền đê tả ngạn sông Hồng, xã Tứ Dân (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) từ lâu đã nổi tiếng với thương hiệu "chuối tiêu hồng Tứ Dân". Với hơn 900 mẫu (1 mẫu = 10 sào = 3.600m2), đây là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất huyện Khoái Châu.

Từ nhiều năm nay, cứ đến đầu tháng Chạp, khung cảnh tại xã Tứ Dân lại nhộn nhịp, tấp nập bởi hàng trăm xe tải từ khắp các tỉnh, thành đổ về để thu mua chuối. Khung cảnh ấy đối với người dân xã Tứ Dân đã quen mắt, vậy nên dù nhiều đoạn đường trên địa bàn xã tắc nghẽn vì giao dịch mua bán chuối nhưng họ đều không cảm thấy phiền.

"Xe tải xếp thành hàng dài, nối đuôi nhau từ chân đê ra đến tận ngoài bãi chuối, dài cả cây số, mọi đường ngang, ngõ dọc, đâu đâu cũng thấy xe về thu mua chuối. Cảnh mua bán tấp nập cả ngày lẫn đêm, cánh đồng chuối ngoài bãi đê biến thành phiên chợ lớn.

Vào thời điểm này năm ngoái, tôi còn đang tất bật bán chuối nhưng năm nay phải đi làm thuê cho các chủ vườn khác để có thêm thu nhập. Cơn bão số 3 đã xóa sổ của gia đình tôi 5 sào (1 sào bằng 360m2 - PV) chuối, càng gần Tết càng thấy buồn", bà Lê Thị Dung (55 tuổi), người dân thôn Phương Trù, xã Tứ Dân, buồn bã nói.

Chồng mất sớm, một mình bà Dung gồng gánh nuôi 3 đứa con khôn lớn. Trong khi 2 con gái đã đi lấy chồng, người con trai út mới ra trường nên cũng chưa đỡ đần được gì cho mẹ. Kinh tế của gia đình bà trông cả vào 5 sào chuối ngoài bãi.

Lần đầu tiên kể từ khi cây chuối bén duyên với đồng đất xã Tứ Dân, người dân nơi đây phải nhập chuối từ địa phương khác về bán

Lần đầu tiên kể từ khi cây chuối bén duyên với đồng đất xã Tứ Dân, người dân nơi đây phải nhập chuối từ địa phương khác về bán

Nhẩm tính, Tết năm ngoái, sau khi đã trừ hết chi phí, bà Dung cũng thu về được 50 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình bà có cái Tết sung túc hơn. Thế nhưng năm nay, cơn bão số 3 đã khiến toàn bộ diện tích chuối của gia đình bà gãy đổ, không mang lại nguồn thu.

Chẳng những thế, đến khi bão tan, bà Dung lại phải tốn thêm chi phí thuê máy múc gốc chuối cũ, cày xới lại đất và trồng cây mới. Tổng 5 sào, bà mất cả chục triệu đồng để trồng lại, toàn bộ số tiền tích góp được từ những vụ trước đã hết sạch. Tết này, bà Dung trông chờ vào diện tích lá dong trồng xen canh trong vườn chuối.

"Những năm trước, tôi cũng thu được 10 triệu đồng từ tiền lá dong. Nhưng năm nay, do nước ngập nhiều ngày, lá còi nên chỉ hy vọng thu được phân nửa. Tết này đành phải thắt lưng buộc bụng", bà Dung chia sẻ.

Xã Tứ Dân có 6 thôn, trong đó, riêng thôn Phương Trù, diện tích trồng chuối bị thiệt hại đã lên đến 300 mẫu. So với những hộ dân khác trong thôn, thiệt hại của gia đình bà Dung vẫn chưa thấm tháp vào đâu.

"Nhà tôi có 6 nhân khẩu, trồng 3 mẫu chuối, năm ngoái cho thu nhập 200 triệu đồng nhưng năm nay trắng tay. Nhà tôi trồng chuối đã nhiều năm nhưng chưa năm nào thiệt hại lớn như vậy. Tết năm nay chắc chắn sẽ rất buồn nhưng tôi cũng động viên vợ, con cố gắng vì nhiều nhà còn mất tiền tỷ khi trồng hàng chục mẫu", ông Đặng Nhân Trung (61 tuổi), người dân thôn Phương Trù, cho biết.

Diện tích trồng chuối nhiều, lại xa khu dân cư nên ngoài trồng chuối, ông Trung còn đảm nhiệm thêm công việc bảo vệ. Công việc hàng ngày của ông là "đi tuần" quanh khu vực trồng chuối của người dân để ngăn chặn những hành vi trộm cắp, phá hoại chuối.

3 mẫu chuối của gia đình ông Đặng Nhân Trung bị hư hỏng hoàn toàn do mưa bão

3 mẫu chuối của gia đình ông Đặng Nhân Trung bị hư hỏng hoàn toàn do mưa bão

Người đàn ông U70 này nói rằng, những năm trước, vào thời điểm cuối năm, tổ bảo vệ có 3 người, làm việc không ngừng nghỉ. Người trông coi cánh đồng chuối, người hướng dẫn điều tiết cho xe tải vào "ăn" hàng, người giúp bà con bốc xếp hàng, có nhiều đêm thức trắng.

Thế nhưng, thời điểm hiện tại, con đường bê tông từ đê sông Hồng ra vườn chuối vắng tanh, barie gần như đóng cả ngày lẫn đêm. "Không còn cảnh xe vào lấy hàng, công việc của chúng tôi cũng nhàn hơn nhưng buồn lắm", ông Trung chua chát nói.

Người dân địa phương cho biết, trung bình mỗi buồng chuối bán vào dịp Tết được khoảng 300 nghìn đồng, một sào cho thu nhập hàng chục triệu đồng. So với nhiều cây trồng khác, cây chuối cho thu nhập khá tốt.

Những năm gần đây, chuối được giá nên nhiều người dân xã Tứ Dân còn đến địa phương khác thuê đất trồng.

"Gia đình tôi trồng 20 mẫu, chủ yếu là diện tích thuê tại bãi bồi huyện Đan Phượng (Hà Nội). Do ảnh hưởng của bão nên năm nay cũng mất trắng và thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Có gia đình trồng nhiều chuối nhất ở Tứ Dân thiệt hại khoảng 50-60 mẫu, mất số tiền rất lớn", bà Nguyễn Thị Xoan, một người dân thôn Năm Mẫu, xã Tứ Dân, cho hay.

"Thủ phủ chuối" phải đi mua chuối

Bà Nguyễn Thị Nhài, Chủ tịch Hội LHPN xã Tứ Dân, cho biết, Tứ Dân là xã có diện tích chuối lớn nhất huyện Khoái Châu. Đây là cây chủ lực của địa phương, với khoảng 90% số hộ dân trong xã tham gia trồng.

Diện tích chuối của gia đình bị hư hỏng, bà Lê Thị Dung phải đi làm thuê để có tiền lo cho cái Tết đang cận kề

Diện tích chuối của gia đình bị hư hỏng, bà Lê Thị Dung phải đi làm thuê để có tiền lo cho cái Tết đang cận kề

Trước đây, người dân chủ yếu trồng cây dong riềng nhưng nhận thấy việc làm kinh tế bằng loại cây này rất vất vả, cộng với sản xuất miến dong gây ô nhiễm môi trường nên Hội LHPN xã phối hợp với Hội Nông dân tích cực vận động người dân chuyển sang trồng chuối.

Sau hơn 10 năm chuyển đổi, cây chuối cho thu nhập cao hơn, sức tiêu thụ tốt, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Những năm gần đây, nhiều hộ dân chuyển đổi sang trồng đào và một số loại cây ăn quả, cây dược liệu và cây cảnh để tạo sinh kế mới nhưng ở Tứ Dân, chuối vẫn là cây trồng chủ lực.

"Mấy năm gần đây, chuối được giá, xuất khẩu rất thuận lợi nhưng năm nay bão đã gây thiệt hại nặng nề. Diện tích đào, quất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị ngập nước nhiều ngày sau bão khiến cây chết, số còn lại chất lượng cũng rất kém.

Những năm trước, tầm này quất, đào, chuối ngập tràn bờ đê nhưng năm nay vắng lặng đìu hiu. Tấm biển quảng cáo đặc sản chuối tiêu hồng của địa phương cũng bị bão giật đổ, đến nay vẫn chưa được dựng lại.

Ngoài bãi, nhiều diện tích vẫn ngổn ngang xác chuối gãy, số mọc lại chất lượng cũng không cao. Nhiều gia đình đến thời điểm này vẫn chưa trồng lại. Năm nay Tết sẽ rất buồn với người dân Tứ Dân", bà Nhài cho biết.

Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu, trên địa bàn huyện có hơn 800ha chuối nhưng gần như đã bị hư hỏng sau khi cơn bão số 3 quét qua.

Chuối chủ yếu được bán để phục vụ dịp Tết Nguyên đán nhưng những ngày này, các xã trồng chuối với diện tích lớn như Tân Châu, Đông Ninh, Đại Tập, Tứ Dân… đều rơi vào tình trạng đìu hiu vì không còn buồng chuối nào để bán.

"Thôn Trưng Vương, xã Tân Châu trồng 39 mẫu và năm nay cũng mất trắng. Gia đình tôi trồng 4 sào nhưng cũng không thu về được đồng nào, chờ đầu năm sau trồng lại và mong mưa thuận gió hòa để bán vào dịp Tết năm sau", bà Lê Thị Lanh, Phó chủ tịch Hội LHPN xã Tân Châu kiêm trưởng thôn Trưng Vương, chia sẻ.

Tết Nguyên đán đang cận kề nhưng những ngày này, có một nghịch lý chưa từng xảy ra ở địa phương được xem là "thủ phủ" trồng chuối của huyện Khoái Châu đó là người dân đang phải nhập chuối từ nơi khác.

Những ngày qua, nhiều xe tải cỡ lớn đã phải đưa chuối từ miền Nam ra và từ Cao Bằng về để bán cho người dân Khoái Châu.

Một thương lái người Tứ Dân nói rằng: "Tôi và nhiều người dân trong xã vừa trồng chuối vừa buôn bán chuối cho các chợ đầu mối. Năm nay, do cả huyện Khoái Châu không có chuối nên các thương lái phải mua chuối từ nơi khác về để bán nhằm giữ nguồn cung cho các mối. Giá chuối hiện lên đến 16 nghìn đồng/kg, gấp đôi so với năm ngoái, xe tải nào về hết xe đó nhưng vẫn không cung cấp đủ nhu cầu của thị trường".

Chiều ngày 8/1/2025 (mùng 9 tháng Chạp), chiếc xe trọng tải lớn chở chuối từ Đồng Nai về xã Tứ Dân và chỉ hơn một tiếng đồng hồ đậu ở trước điếm canh trên đê sông Hồng, gần 40 tấn chuối đã được các tiểu thương thu mua hết.

"Năm nay, giá chuối có thể lên cao do miền Bắc khan hiếm nguồn cung. Những ngày tới, chuối từ các địa phương khác vẫn đổ về Khoái Châu. Đây là điều chưa từng có từ trước tới nay. Chúng tôi cũng cố gắng mua đi bán lại kiếm thêm thu nhập, còn đa số người dân trồng chuối năm nay mất Tết rồi", một thương lái ở xã Tứ Dân nói.

Cảnh Dũng - Văn Duẩn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thu-phu-chuoi-o-hung-yen-diu-hiu-ngay-can-tet-20250114161355797.htm
Zalo