Thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư: Tạo nguồn thu để bảo trì và đầu tư mới các tuyến cao tốc

Bộ GTVT đang xin ý kiến góp ý vào dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, thực hiện Luật Đường bộ năm 2024 vừa được ban hành. Trong đó, việc đảm bảo quyền lợi cho người dân đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam xung quanh vấn đề này.

 Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam

* PHÓNG VIÊN: Nhiều ý kiến lo ngại việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ là “phí chồng phí”. Ông có thể cho biết căn cứ để thu phí và xây dựng mức thu trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư?

* Ông NGUYỄN MẠNH THẮNG: Việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đã được quy định trong Luật Đường bộ năm 2024 và đó là cơ sở pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, cần phải hiểu việc thu phí này không vì mục đích lợi nhuận mà là tạo nguồn thu để bảo trì và đầu tư mới các tuyến đường cao tốc. Đây sẽ là khoản kinh phí cần thiết để Nhà nước có thêm nguồn lực bảo trì, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường cao tốc hiện hữu cũng như đầu tư cho các dự án cao tốc mới.

Để xác định mức phí, cơ quan chủ trì soạn thảo đã dựa trên các nguyên tắc như: mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đồng thời, mức thu phải phù hợp với lợi ích, khả năng chi trả của người sử dụng. Đặc biệt, mức phí phải xây dựng trên cơ sở pháp luật về phí và lệ phí, khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan, tránh thu phí trùng phí…

* Trong phương án đề xuất vẫn thu phí ở những tuyến đường cao tốc chưa hoàn chỉnh (thiếu làn dừng khẩn cấp, thiếu trạm dừng nghỉ) và một số tuyến đang vận hành vượt quá công suất thiết kế, thường xuyên bị ùn tắc. Như vậy có công bằng với người dân?

* Theo phương án mà chúng tôi xây dựng, việc thu phí chỉ thực hiện đối với đường cao tốc có tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn mỗi chiều), chưa thu phí với đường cao tốc có 2 làn xe chạy (1 làn mỗi chiều). Sau khi nghiên cứu các phương án và tham khảo cách thực hiện tại một số quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Italy, Nhật, Indonesia…, chúng tôi đề xuất 2 phương án.

Trong đó, mức 1 (tương ứng khoảng 70% lợi ích người sử dụng) cho các tuyến đường cao tốc được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Mức 2 (tương ứng khoảng 50% lợi ích người sử dụng) cho các tuyến đường cao tốc đã có chủ trương đầu tư trước khi Luật Đường bộ có hiệu lực chưa đáp ứng đầy đủ quy định tại Luật Đường bộ. Mức phí này chỉ bằng 50%-65% mức thu trên các tuyến đường cao tốc hiện đang tổ chức thu phí (các tuyến đường cao tốc đầu tư theo hình thức BOT).

Cái khó hiện nay là vốn bảo trì cho các tuyến đường cao tốc hiện hữu mới đáp ứng được khoảng 40% dẫn đến nhiều tuyến đường cao tốc không được sửa chữa, nâng cấp kịp thời. Chưa kể nhu cầu vốn đầu tư đường cao tốc mới trong 10 năm tới cũng lên đến gần 240.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, thu phí là giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao chất lượng hạ tầng, từng bước đảm bảo dịch vụ tương xứng với mức phí trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

 Tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: HOÀNG HÙNG

* Nguy cơ mất an toàn trên các tuyến đường cao tốc hiện vẫn rất cao. Theo ông, những quy định về an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc hiện nay đã đầy đủ chưa?

* Nếu tuân thủ đúng quy định, quy tắc thì đường cao tốc an toàn nhất trong các loại đường giao thông. Tuy nhiên, do hệ thống đường cao tốc mới được phát triển tại Việt Nam nên chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các quy định về an toàn. Mới đây, các quy định, quy tắc về lưu thông trên đường cao tốc đã được luật hóa tại Luật Đường bộ năm 2024, Luật Trật tự, an toàn giao thông năm 2024...

Hiện các cơ quan chức năng đang xây dựng nghị định hướng dẫn thực thi các luật này. Các tình huống phát sinh trên thực tế sẽ được cập nhật để bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông trên cao tốc. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần hình thành văn hóa lưu thông trên đường cao tốc.

 Đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

Đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

* Nhiều ý kiến cho rằng tai nạn trên đường cao tốc phần nhiều do ý thức, kỹ năng của người tham gia giao thông. Nhưng không thể không nói tới trách nhiệm của Bộ GTVT và các cơ quan liên quan trong việc nâng cao mức độ an toàn trên đường cao tốc?

* Về yếu tố hạ tầng, Bộ GTVT đang có kế hoạch nâng cấp hoàn thiện các tuyến đường cao tốc đầu tư phân kỳ trong tương lai gần để nâng cao hiệu quả khai thác và đảm bảo an toàn. Còn các tuyến đường cao tốc đầu tư mới sẽ phải đảm bảo ngay các quy chuẩn hiện hành. Trong quá trình khai thác, cơ quan quản lý đường cao tốc sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát kịp thời xử lý các bất cập; đồng thời tăng cường hệ thống báo hiệu đường bộ trên tuyến.

Về chất lượng phương tiện, hiện công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm phương tiện đang được siết chặt hơn. Bộ GTVT đã chỉ đạo kiểm tra, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera để kiểm tra xử lý tình trạng điều khiển ô tô quá thời gian quy định; xe chạy quá tốc độ... Bộ Công an cũng đang tăng cường kiểm tra và xử lý những hành vi vi phạm trên đường cao tốc như nồng độ cồn, tốc độ, làn đường, khoảng cách phương tiện...

Theo dự thảo, 12 đoạn, tuyến cao tốc sẽ được thu phí gồm: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TPHCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Những đoạn, tuyến cao tốc này đều do nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

BÍCH QUYÊN thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thu-phi-duong-cao-toc-do-nha-nuoc-dau-tu-tao-nguon-thu-de-bao-tri-va-dau-tu-moi-cac-tuyen-cao-toc-post753658.html
Zalo