Thu nhập người nghèo tại Mỹ cao gần gấp năm lần người giàu ở Niger
Bất ngờ trước thực trạng nhóm 10% nghèo nhất ở Mỹ vẫn có thu nhập cao gấp nhiều lần nhóm 10% giàu nhất ở Niger, một lần nữa phản ánh sự chênh lệch rõ rệt giữa các quốc gia trên thế giới...

Có nhiều cách để so sánh sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, nhưng mỗi phương pháp đều có những hạn chế riêng. Chẳng hạn như GDP không tính đến yếu tố dân số, trong khi GDP bình quân đầu người lại không phản ánh sự phân bổ thu nhập trong xã hội. Để có cái nhìn sát thực hơn về mức sống, Infographic trên tổng hợp và phân tích số liệu thu nhập (hoặc tiêu dùng) năm 2024 theo báo cáo từ Our World in Data.
Tất cả các số liệu đều tính bằng đồng USD theo giá năm 2017, đã điều chỉnh theo sức mua tương đương (PPP).
Vì là số liệu bình quân đầu người, thu nhập được tính trung bình cho tất cả mọi người, bao gồm cả trẻ em và người đã nghỉ hưu. Trong khi thực tế, các lao động trưởng thành có thể kiếm được gấp đôi số tiền này để nuôi dưỡng gia đình của họ.
Có thể thấy rằng, nhóm 10% người giàu nhất ở Mỹ có thu nhập trung bình hàng ngày (156 USD/người, tương đương khoảng 4 triệu đồng) cao hơn hẳn so với các nhóm tương tự trên toàn cầu. Họ cũng kiếm được gần gấp 7 lần so với nhóm 10% nghèo nhất ở Mỹ.
Tuy nhiên, chi tiết được chú ý nhất là việc nhóm 10% nghèo nhất ở Mỹ vẫn có thu nhập cao hơn gấp 2 đến 4 lần nhóm 10% giàu nhất ở nhiều nơi khác, bao gồm Niger, Kenya, Ấn Độ, Ai Cập và Indonesia.
Tại Việt Nam, mức thu nhập trung bình hàng ngày của nhóm 10% nghèo nhất là 6 USD (tương đương 160.000 đồng) và của nhóm 10% giàu nhất là 28 USD (tương đương 730.000 đồng). Những con số này cho thấy nước ta vẫn còn khoảng cách đáng kể về thu nhập so với các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để thu hẹp chênh lệch và nâng cao mức sống trong vài thập kỷ qua.
Infographic cũng cho thấy sự khác biệt về quy mô dân số trong các nhóm thu nhập giữa các quốc gia. Ví dụ, nhóm 10% giàu nhất ở Mỹ chỉ khoảng 34 triệu người, trong khi cùng nhóm này ở Ấn Độ và Trung Quốc lên tới khoảng 140 triệu người.
Dù vậy, những con số này vẫn là ví dụ tiêu biểu về thực tế mức thu nhập và tiêu dùng trung bình ở các quốc gia phương Tây có nền công nghiệp hóa phát triển so với phần còn lại của thế giới.
Dữ liệu đã được điều chỉnh theo sức mua tương đương nhưng phương pháp vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập. Vấn đề chính là giỏ hàng hóa tiêu chuẩn dùng làm cơ sở có thể bao gồm những sản phẩm mà người dân ở một số quốc gia không cần, không mua hoặc không ưu tiên.
Luxembourg (không được hiển thị trên Infographic, nhưng có trong bộ dữ liệu của Our World in Data) là quốc gia duy nhất mà người dân có thu nhập trung bình hàng ngày cao hơn ở Mỹ.