Thu nhập khá nhờ 'lượm lặt'

Không trông chờ vào các mô hình kinh tế có sẵn mà linh hoạt tăng nguồn thu cho gia đình, nhiều chị ở xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, tự mày mò, tìm nghề riêng để có thêm khoản thu nhập ổn định.

Đến với nghề may bọc nón rất tình cờ, chị Tô Kim Huyền, ấp Tân Phước, đã có thêm đồng ra đồng vô trong thời gian nhàn rỗi chờ xổ vuông tôm của gia đình. Ban đầu, chị Huyền mua được đồ bọc nón lá ở vùng trên. Sau khi xài một thời gian thì bị hư nhưng chị không mua lại được, thế là chị tập tành làm, rồi may được sản phẩm.

Chị Huyền kể: “Cái bọc nón lá bị hư, tôi mang ra xem đường may, cách cắt, rồi bắt chước làm. Tôi thấy khó nhất là khâu may sao cho vừa vặn, tôi phải chỉnh tới chỉnh lui mấy lần. Tôi tập may cả tháng, hư hơn 20 cái mới hoàn chỉnh được. Tôi làm bọc nón này đã 2 năm nay”.

Không chỉ may một mình, chị Huyền còn rủ thêm người mợ của mình, cũng có tay nghề may vá, làm cùng. Cứ thời gian rảnh, sau khi cơm nước và đưa các con đi học, chị và mợ cứ may sản phẩm để sẵn, ai mua thì bán, ai đặt thì may thêm. Chị Huyền mang sản phẩm giới thiệu đến chị em trong ấp, trong xã. Khách dùng xong thấy hài lòng về chất lượng lại giới thiệu cho nhiều chị đặt mua. Chị Huyền bán sỉ từ 10 cái trở lên, mỗi cái giá 20 ngàn đồng; còn giá bán lẻ mỗi cái 25 ngàn đồng. Thu nhập hằng tháng của chị Huyền khoảng 3-5 triệu đồng, tùy theo số lượng hàng đặt.

Chị Huyền (người ngồi giữa) “khoe” thành phẩm may cho khách.

Chị Huyền (người ngồi giữa) “khoe” thành phẩm may cho khách.

Cái khó của nghề này là phải tỉ mỉ và thường xuyên cập nhật mẫu mới. Chị Huyền tâm sự: “Tôi phải ra thị trường xem mẫu nào đẹp mới mua về may, đa dạng mẫu cho khách lựa chọn. Tôi may ra được sản phẩm đẹp nên vui lắm. Hơn nữa, mình vừa có thu nhập thêm, lại gần chồng con, có thời gian chăm sóc gia đình, không phải đi xa kiếm sống như nhiều chị khác. Tôi đăng Facebook để giới thiệu sản phẩm, chị em ở Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cũng hỗ trợ quảng cáo thêm. Nếu chị nào thích nghề này thì tôi sẵn sàng hướng dẫn”.

Bao nón của chị Huyền rất đa dạng về mẫu mã.

Bao nón của chị Huyền rất đa dạng về mẫu mã.

Cũng đến với nghề một cách ngẫu nhiên là trường hợp chị Huỳnh Ngọc Cầm, ấp Tân Phước, với nghề đan sịa, rọ... Chị Cầm hài hước bảo, nghề này của chị đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là đi “lượm”, vì ban đầu chị vô tình thấy người anh thứ tư lượm dây về đan, lúc đó mẹ chị bị bệnh, chị cũng lượm dây về nhưng không có thời gian đan. Ðến cuối năm 2020, mẹ chị Cầm mất, lại thêm vuông tôm thất thu, kinh tế eo hẹp, chị Cầm lại lượm dây về đan và bán sản phẩm. Không ngờ mặt hàng này được ưa chuộng, bán ngày một nhiều nên chị lượm dây về đan thêm, cứ vậy làm nghề này tới giờ.

Chị Cầm cho biết: “Tôi lượm dây ở các cửa hàng bán vật liệu xây dựng hoặc những chỗ xây nhà, họ không xài dây nên mình xin. Dây này gọi là dây đai gạch, rất chắc nên đan thành sịa xài lâu lắm. Sản phẩm làm ra tôi đem về nhà mẹ, ở xã Tân Trung (cùng huyện Ðầm Dơi) gửi bán. Nhiều người thấy rồi đặt hàng mua, mỗi ngày tôi bán được hơn 10 cái. Lúc đầu ít có người làm, một chuyến tôi bán cũng được 20 cái, có khi hơn. Sau này nhiều người làm nên bán hơi chậm, nhưng mẫu của mình đẹp nên nhiều người đặt hàng".

Công sản phẩm tính tùy theo kích thước lớn nhỏ và yêu cầu họa tiết. Giá mỗi sản phẩm từ 25-60 ngàn đồng loại nhỏ và trung bình, loại lớn có giá 100 ngàn đồng trở lên. Không chỉ làm một mình, chị Cầm còn được chồng và ba chồng phụ giúp. Dần dần, nghề này trở thành nghề tay trái nhưng nguồn thu rất hiệu quả cho gia đình chị.

Ba chồng chị Cầm dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phụ con dâu nức vành.

Ba chồng chị Cầm dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phụ con dâu nức vành.

Chị Cầm tâm sự: “Tôi phụ trách đan, ba với chồng tôi thì làm công đoạn nức vành. Có nghề này cũng ổn, vì tôi có con nhỏ, không đi làm mướn ở vùng trên được, cho thu nhập ổn định, tôi kiếm được 3-4 triệu đồng/tháng".

Nhờ có những nghề “lượm lặt” mà chị Huyền, chị Cầm và nhiều chị sống ở nông thôn tìm được nguồn thu nhập ổn định, phụ đồng ra đồng vào cho gia đình. Họ tự tin bám trụ lại quê nhà, chăm lo đời sống gia đình mà không cần phải tìm lên vùng trên kiếm sống cực nhọc./.

Lam Khánh - Lê Diện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thu-nhap-kha-nho-luom-lat-a34009.html
Zalo