Thử nghiệm thành công pháo điện từ giúp Hải quân Nhật Bản đứng đầu khu vực
Tàu chiến của Hải quân Nhật Bản nhiều khả năng sẽ được tích hợp pháo điện từ trong một tương lai không xa.

Các nhà khoa học Nhật Bản đã đạt được bước tiến đáng kể trong công nghệ quân sự tiên tiến khi tuyên bố nguyên mẫu pháo điện từ của họ có khả năng bắn trúng mục tiêu cơ động ở tốc độ siêu thanh.

Vũ khí tương lai do Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát triển đã được lắp đặt thử nghiệm trên tàu JS Asuka của Lực lượng Phòng vệ hàng hải, tạp chí Interesting Engineering cho biết.

Lễ ra mắt diễn ra ngày 4/5/2025 cho thấy tham vọng của Tokyo đối với việc tăng cường khả năng phòng thủ, trước tình hình xuất hiện ngày càng nhiều mối đe dọa tiềm tàng như tên lửa siêu thanh hay những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử trên quy mô rất lớn.

Nguyên mẫu pháo điện từ do Nhật Bản nghiên cứu chế tạo có trọng lượng 8 tấn và nòng dài 6 mét, với khả năng đẩy đầu đạn thép nặng 320 gram lên tới tốc độ 2.500 m/s, tương đương Mach 7 hoặc 5.600 km/h.

Khác biệt với các hệ thống pháo binh truyền thống sử dụng thuốc nổ nhằm đẩy đầu đạn đi xa, vũ khí này hoạt động bằng năng lượng điện từ, mang lại chi phí thấp và an toàn hơn rất nhiều.

Theo giới thiệu, khẩu pháo điện từ này được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu tốc độ cao như tên lửa siêu thanh, cũng như để chống lại bầy đàn máy bay không người lái cảm tử - đối tượng đang ngày càng trở thành mối đe dọa nguy hiểm trong các cuộc chiến hiện đại.

Việc Hải quân Nhật Bản lắp đặt nguyên mẫu pháo điện từ trên tàu JS Asuka đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình thử nghiệm, chứng minh tính khả thi của việc tích hợp vũ khí mới vào nền tảng chiến hạm có sẵn.

Tại một cuộc bắn trình diễn ở Biển Nhật Bản, pháo điện từ đã chứng minh được độ chính xác và ổn định cao khi bắn trúng mục tiêu huấn luyện cách xa vài km. Đại diện ATLA lưu ý, công nghệ này vẫn đang ở giai đoạn phát triển nhưng đã chứng minh được tiềm năng rất lớn.

Dự kiến trong tương lai, các kỹ sư sẽ tiến hành điều chỉnh loại pháo điện từ này để sử dụng trên mặt đất và có thể cả lắp đặt trên máy bay cỡ lớn, điều này nếu xảy ra sẽ mở rộng đáng kể mức độ linh hoạt cho vũ khí.

Đầu tư phát triển công nghệ quân sự mới và tiên tiến như pháo điện từ cho thấy rõ bước đi mang tính chiến lược của Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phòng thủ giữa tình hình địa chính trị căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mối đe dọa từ vũ khí siêu thanh - vốn khó lòng đánh chặn bằng các hệ thống tên lửa phòng không truyền thống đã buộc Tokyo phải tìm kiếm những giải pháp sáng tạo và pháo điện từ là một trong số đó.

Theo hãng tin Anh Reuters, vào tháng 3/2025, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ phân bổ thêm 75 tỷ USD cho nhu cầu quốc phòng đến năm 2030, trong đó một phần đáng kể sẽ dành cho nghiên cứu vũ khí tiên tiến.

Pháo điện từ cùng với hệ thống vũ khí laser chiến đấu và tên lửa nâng cấp được coi là yếu tố quan trọng của hệ thống phòng thủ tương lai bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản.

Tuy vậy cũng có ý kiến thận trọng cho rằng cần chờ đến lúc triển khai trên diện rộng và chứng minh được năng lực thực tế mới nên kết luận pháo điện từ là vũ khí của tương lai.