Thu ngân sách năm 2024 đã vượt dự toán
11 tháng, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) đã vượt 6,3% dự toán năm 2024. Kết quả này phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế và thể hiện nỗ lực, quyết tâm của ngành tài chính.
Kinh tế phục hồi, nhiều khoản thu vượt dự toán
Bộ Tài chính cho biết, hết 11 tháng năm 2024, thu NSNN ước đạt 1.808.500 tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.506.500 tỷ đồng, bằng 104,3% dự toán, tăng 16,8%. Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 105,9% dự toán, tăng 12,1% so với cùng kỳ.
Điều đáng mừng là các khoản thu trực tiếp từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) với số thu 11 tháng đã vượt 8% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Theo Bộ Tài chính, kinh tế hồi phục tích cực đã góp phần tăng thu NSNN, trong đó thu thuế thu nhập doanh nghiệp ước tăng 12,7%; thuế giá trị gia tăng ước tăng 7,3%; thuế tiêu thụ đặc biệt ước tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 107,1% dự toán, tăng 17,2% so với cùng kỳ chủ yếu do tăng thu thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán. Đồng thời, do cơ quan thuế đã quyết liệt quản lý thu thuế đối với các cá nhân có nhiều nguồn thu nhập, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng...
Các khoản thu về nhà, đất ước đạt 92,6% dự toán, tăng 65% so với cùng kỳ do một số địa phương tổ chức tốt công tác đấu giá đất, giao đất cho các dự án từ cuối năm 2023 và phát sinh số nộp ngay trong tháng đầu năm 2024. Các nhóm thu nội địa còn lại tiến độ đạt khá và tăng trưởng so với cùng kỳ như: Thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 98,2% dự toán, tăng 8,1%; thu các loại phí, lệ phí ước đạt 107,8%, tăng 18,8%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 272,4% dự toán, tăng 91,3%; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 137,4% dự toán, tăng 7,2%; ước tính có 34 địa phương hoàn thành và vượt dự toán; 57 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước tăng 18,6% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính đến ngày 15/11/2024 đạt 681,5 tỷ USD, tăng 15,7%; riêng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa có thuế tăng 15,9%. 11 tháng qua đã thu nộp ngân sách 901,58 tỷ đồng từ chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Năm nay, chỉ tiêu thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh bất ngờ về đích sớm, vượt mọi dự báo trước đó. Ông Nguyễn Nam Bình - Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh - cho biết, đây là một trong những năm hiếm hoi ngành thuế Thành phố hoàn thành số thu ngân sách nội địa vào cuối tháng 11, đạt 101% dự toán được giao. Nguyên nhân là do kinh tế - xã hội đã cải thiện, GRDP của Thành phố đạt hơn 7%, các ngành dịch vụ bán lẻ, công nghiệp, bất động sản có xu hướng phục hồi. Đặc biệt, sau khi Thành phố áp dụng bảng giá đất mới, nguồn thu từ hoạt động bất động sản tăng từ 50-100% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, quy định liên quan đến thuế bảo vệ môi trường thay đổi trong năm 2024 cũng giúp nguồn thu nội địa trên địa bàn tăng lên. Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Quốc hội và Chính phủ đã kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân... Cùng với đó, các cơ quan, cấp chính quyền đã triển khai đồng bộ, phối hợp kịp thời và có hiệu quả việc chống thất thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chống gian lận trong hoàn thuế; xử lý nợ thuế, tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý thuế... đã giúp người dân và doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế, góp phần tích cực cho thu NSNN trên địa bàn.
Tổng thu NSNN trên địa bàn Thủ đô Hà Nội 10 tháng năm 2024 là 425.200 tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trong 10 tháng tăng 9,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,9%; thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 22,2%; thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng 25,9%; thu tiền sử dụng đất gấp hơn 4 lần; thu lệ phí trước bạ tăng 14,5%...
Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc để tăng thu
Như vậy, đến thời điểm này, ngành tài chính đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là thu NSNN đạt dự toán. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng yêu cầu toàn ngành tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị của Bộ tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ còn lại của năm 2024, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Trong chương trình công tác năm tới, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề lớn và cấp thiết với ngành tài chính là chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, các đơn vị trong ngành cần tập trung hơn nữa cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, đặc biệt đối với các lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan…
Dù đã về đích sớm, song lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết Thành phố phấn đấu năm 2024 thu đạt 110% dự toán so với cùng kỳ năm trước. Hiện ngành tài chính Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung nuôi dưỡng nguồn thu, song song với việc tăng cường quản lý, khai thác các nguồn thu còn dư địa, chống thất thu thuế trong những lĩnh vực có rủi ro cao, tập trung thu hồi nợ đọng…
Còn theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức, việc tăng cường thu ngân sách cho Thủ đô Hà Nội trong những tháng cuối năm 2024 trở thành nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố sẽ triển khai đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp như: nâng cao hiệu quả quản lý thuế, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế để phát hiện kịp thời các hành vi gian lận. Đặc biệt, Thành phố yêu cầu các quận, huyện quản lý chặt việc đấu giá đất; xem xét, điều chỉnh mức thu phí, lệ phí; giảm bớt thủ tục hành chính, cải cách các quy định về đầu tư... để thu hút đầu tư, góp phần tăng nguồn thu ngân sách. Thành phố cũng quan tâm việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời, thanh tra, kiểm tra xử lý những trường hợp cố tình trốn tránh, chây ỳ và nợ đọng thuế./.