Thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao để xây dựng và phát triển Thủ đô
Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị về 'Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2024, tầm nhìn đến năm 2065' nhấn mạnh việc xác định giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lỗi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô.
Trọng dụng người tài
Thời gian qua, Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch và phát huy nhân tài đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 13 Luật Thủ đô hiện hành quy định: “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài; chính sách ưu đãi để áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học và công nghệ và các nhà khoa học và công nghệ tham gia thực hiện chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô trên cơ sở cân đối nguồn lực của địa phương để thực hiện”.
Trên cơ sở này, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 về chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Sau đó, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 6/9/2013 về việc triển khai Nghị quyết vừa nêu. Đến ngày 19/6/2015, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế tuyên dương, khen thưởng thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngày 26/5/2017, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3263/QĐ-UBND về việc phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm các cơ quan hành chính trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tiếp đến, ngày 16/5/2023, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2755/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch tiếp tục và mở rộng thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND Thành phố… Các văn bản pháp quy nêu trên kết hợp cùng quy định của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Nội vụ, thành phố Hà Nội đã tạo thành một hệ thống pháp lý cơ bản về thu hút sử dụng nhân tài.
Ngoài ra, những năm qua, một trong số những hình thức thu hút nhân tài mà Hà Nội triển khai thường xuyên là tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố. Theo ghi nhận, sau 21 năm tổ chức, kể từ năm 2003, đã có 2.156 thủ khoa xuất sắc được tuyên dương và ghi danh vào Sổ vàng của Thành phố. Trong hành trình này, đã có nhiều thủ khoa xuất sắc chọn Hà Nội là nơi để thể hiện tài năng, cống hiến tri thức. Nhiều thủ khoa được tuyển thẳng vào các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước. Nhiều thủ khoa tiếp tục trở thành những người thầy cống hiến cho nền y học nước nhà, hay đào tạo nên nhiều thế hệ học trò xuất sắc. Có thủ khoa xuất sắc lại lựa chọn con đường tự khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển doanh nghiệp thành công… Các thủ khoa xuất sắc của Thủ đô Hà Nội đã không ngừng tỏa sáng và tiếp tục khẳng định mình trên con đường lập nghiệp, góp sức cho sự nghiệp phát triển Thủ đô và đất nước.
Ngoài ra, Hà Nội cũng tuyên dương, khen thưởng các chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân, công nhân… với nhiều hình thức khen thưởng như tặng Bằng khen, ghi danh trong Sổ vàng truyền thống của Thành phố. Những hoạt động này đã khích lệ, động viên người tài cống hiến cho Thủ đô, đất nước.
Nhờ có đội ngũ nhân tài, Hà Nội đã đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế... Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, có hàm lượng khoa học công nghệ cao đã được phát triển và ứng dụng thành công, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội. Nguồn nhân tài đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, thể hiện qua các chỉ số như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế, GDP bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo... Chất lượng cuộc sống của người dân Hà Nội được cải thiện, thể hiện qua các chỉ số như: Tuổi thọ trung bình, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế...
Cần nhiều chính sách hấp dẫn hơn
Có thể khẳng định, trong chiến lược phát triển Thủ đô, không thể thiếu chiến lược thu hút sử dụng nhân tài như một khâu đột phá bảo đảm cho sự thành công. Đối với một tài năng, việc tuyển dụng đã khó, nhưng để giữ chân tài năng đó ở lại làm việc lâu dài là vấn đề lớn, nhất là trong bối cảnh chính sách về tiền lương hạn chế so với khu vực tư nhân.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện nhiều điểm mới, khắc phục nhiều hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô hiện hành, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian tới, đặc biệt trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao. Dự thảo gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).
Theo Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc (Trường Đại học Luật Hà Nội), việc thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền Thủ đô Hà Nội quan tâm, được thể chế hóa và áp dụng trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội cần được đánh giá một cách nghiêm túc về tính khả thi khi thực hiện từ đó có bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài có vai trò vô cùng quan trọng.
Nhấn mạnh dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện nhiều điểm mới, khắc phục nhiều hạn chế, bất cập của Luật năm 2012, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời gian tới, đặc biệt trong việc thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao, Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc cho rằng, dự thảo cần làm rõ hơn tiêu chuẩn, điều kiện của nhân tài, nhân lực chất lượng cao, tăng tính khả thi của chính sách, định hướng cho việc quy định chi tiết về nội dung này.
Bên cạnh đó, để chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Thủ đô, cần rõ về vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ một lần và chính sách ưu đãi khác về lương, thu nhập bảo đảm ổn định của nhân lực chất lượng cao so với cán bộ, công chức, viên chức khác; cần phải có các chế độ, chính sách đặc thù theo hướng thu nhập cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương khác thì mới có thể giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao cống hiến cho Thủ đô...
Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy (Trường Đại học Luật Hà Nội), để tránh tình trạng “chảy máu chất xám”, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần quy định rõ hơn khái niệm, tiêu chuẩn, điều kiện của nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng điều khoản riêng về tiêu chuẩn, điều kiện nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, ít nhất là ở 3 chế độ: Thu nhập, nhà ở và vị trí việc làm phù hợp, theo hướng quy định chế độ, chính sách đặc thù cao hơn so với mặt bằng cán bộ, công chức, viên chức của địa phương…