Thu hút nhà đầu tư nước ngoài để nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam

Thu hút nhà đầu tư nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 (ngày 28/2/2024).

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện cùng các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 (ngày 28/2/2024).

Tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Trong 10 năm qua (2014-2023), thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 380.000 tỷ đồng, tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước. Chính phủ huy động được 2,66 triệu tỷ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với giai đoạn trước với lãi suất thấp hơn và kỳ hạn dài hơn, thị trường chứng khoán góp phần tái cơ cấu, tăng tính bền vững cho danh mục nợ công quốc gia và chủ động nguồn vốn cho đầu tư công.

Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, đáp ứng các tiêu chí quan trọng của các tổ chức xếp hạng trên thế giới. Quy mô vốn hóa đạt gần 200 tỷ USD, lớn hơn nhiều thị trường châu Á như Philippines, Qatar, Kuwait... hay châu Âu như Hy Lạp, Czech, Hungary... Thanh khoản trung bình đạt gần 700 triệu USD, tương đương Indonesia, Malaysia, Singapore và chỉ đứng sau Thái Lan trong khối ASEAN.

Có thể nói, sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam không thể không kể đến đóng góp của khối ngoại. Tính đến ngày 31/8/2024, số lượng nhà đầu tư chứng khoán cá nhân nước ngoài là 42.446 và và nhà đầu tư tổ chức chức nước ngoài là 4.558. Sự gia tăng đều đặn của số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia thị trường là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì sức hấp dẫn.

Đánh giá về tiềm lực của khối ngoại, theo ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup, nhóm đầu tư nước ngoài chủ yếu bao gồm các quỹ đầu tư được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ được cấp phép tại Việt Nam và các quỹ bảo hiểm có quy mô tăng trưởng tốt trong những năm gần đây và có tổng tài sản đang quản lý tính đến cuối năm 2023 là 592 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ phân bổ vào cổ phiếu còn rất thấp 17%, tương đương gần 101 nghìn tỷ đồng. Còn lại 419 nghìn tỷ phân bổ vào trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp, số tiền còn lại phân bổ vào các tài sản khác.

Các quỹ đầu tư nước ngoài “yêu thích” sở hữu các ngành gắn với tiềm năng của thị trường nội địa bao gồm Bảo hiểm, Bán lẻ, Chứng khoán, Thực phẩm & Đồ uống, Ngân hàng và Hàng gia dụng; và Công nghệ.

Nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho phát triển kinh tế, tài chính đất nước, góp phần tác động tích cực đến quá trình cổ phần hóa của Chính phủ, gia tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại có quy mô lớn, đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty. Điều này cũng cho thấy nhận thức đúng đắn của cơ quan quản lý về ý nghĩa, vai trò của việc thu hút nhà đầu tư ngoại trên thị trường, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thực sự "có tầm hơn".

Để tháo gỡ những nút thắt ảnh hưởng đến quá trình nâng hạng thị trường, ngày 18/9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC với những quy định mới tạo hành lang pháp lý cho giao dịch “thiếu tiền” của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Các quy định mới trong Thông tư này được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ một trong những rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đánh giá tham gia vào đầu tư thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi đó, khả năng tiếp cận thông tin và tiêu chí “Đối xử công bằng với nhà đầu tư nhỏ lẻ” cũng được cải thiện hơn rất nhiều, trở thành điểm cộng cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, SSI Research ước tính dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).

Những giải pháp trọng tâm

Theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Việt Nam sẽ đẩy mạnh nhiều giải pháp trọng tâm nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể:

Một là, tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hai là, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động thị trường, đảm bảo quyền bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc khuyến khích các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Ba là, thực hiện các giải pháp để đưa trái phiếu Chính phủ Việt Nam vào rổ chỉ số trái phiếu Chính phủ quốc tế nhằm nâng cao tính cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư trái phiếu Chính phủ Việt Nam.

Bốn là, rà soát và bổ sung các quy định nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu; nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam theo các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước.

Năm là, đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.

PV. (t/h)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thu-hut-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-de-nang-tam-thi-truong-chung-khoan-viet-nam.html?source=cat-76
Zalo