Thu hút GV công tác tại vùng khó, cần chế độ hấp dẫn và đẩy mạnh nguồn tuyển

Đổi mới giáo dục toàn diện cần thu hút giáo viên về vùng khó, nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản khiến việc giữ chân đội ngũ nhà giáo gặp không ít khó khăn.

Ngày 18/03/2025 Chính phủ ban hành Nghị quyết 51/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế”.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 51 đặt ra là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục.

Đối với các địa phương, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế trên địa bàn; rà soát, điều động, luân chuyển số giáo viên hiện có, giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; tuyển dụng đúng, đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, có giải pháp đối với những nơi còn thiếu giáo viên, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.

Đặc biệt, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chính sách trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục.

Trường vùng cao nỗ lực đảm bảo đời sống giáo viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Ngân – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: “Phát triển đội ngũ nhà giáo tại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn là một nhiệm vụ trọng tâm và dài hơi. Không chỉ cần thu hút giáo viên về công tác, mà còn phải tạo ra môi trường làm việc ổn định và phát triển bền vững.

Tôi rất cảm kích sự quan tâm của Nhà nước đối với các đơn vị trường học vùng cao. Giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn được hưởng nhiều chế độ ưu đãi như lương thu hút, phụ cấp thâm niên và một số khoản hỗ trợ khác. Tuy nhiên để thu hút và phát triển đội ngũ nhà giáo gắn bó lâu dài tại vùng khó, vẫn cần sự thay đổi quyết liệt hơn nữa”.

Vị hiệu trưởng bày tỏ, chỉ cần có giáo viên được tuyển dụng và về công tác tại nhà trường, trường sẽ sẵn sàng đáp ứng các điều kiện sống, môi trường sống, nhằm đảo bảo thầy cô yên tâm giảng dạy, thậm chí gắn bó lâu dài ở địa phương.

 Cô Hoàng Thị Ngân – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC

Cô Hoàng Thị Ngân – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC

Cụ thể, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính có khu nhà công vụ dành cho giáo viên mới đến sinh hoạt và làm việc. Nhà trường cũng bố trí để giáo viên mới đi cùng các thầy cô có kinh nghiệm lâu năm trong việc gặp gỡ, thăm hỏi gia đình học sinh. Ngoài ra, giáo viên còn được tham gia học tập các lớp bồi dưỡng tiếng Mông, do Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh tổ chức, giúp thầy cô dễ dàng tiếp xúc và trò chuyện với học sinh, phụ huynh.

“Với điều kiện sống ngày càng phát triển, giáo viên sẽ không ngại lên vùng cao làm việc. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, tình trạng thiếu giáo viên vẫn đang tồn tại trong trường. Hiện nay, nhà trường có tổng cộng 25 lớp, nhưng chỉ có 31 thầy cô giáo đứng lớp. Trong số các giáo viên, có 3 người là viên chức biệt phái được điều động tăng cường từ các khu vực khác.

Việc có giáo viên biệt phái về tăng cường cho nhà trường là điều rất đáng quý. Điều này giúp giảm tải cho các thầy cô trong trường, hạn chế tình trạng một giáo viên phải dạy quá nhiều lớp, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Sang năm học sau, trường sẽ tăng số lượng lớp học thành 26 lớp. Cộng thêm việc các thầy cô biệt phái trở về miền xuôi, nhà trường sẽ thiếu tới 8 giáo viên so với quy định”, cô Ngân bộc bạch.

Đồng tình với kiến trên, cô Lê Thị Hoàng Yến - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) bày tỏ: “Hiện nay đội ngũ giáo viên tại trường phần lớn là người địa phương. Bên cạnh đó, cũng có một số thầy cô từ các tỉnh khác đến công tác. Theo thời gian, nhiều người trong số họ đã lập gia đình, ổn định cuộc sống và chọn gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Nhờ có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, các thầy cô cảm thấy yên tâm công tác, thậm chí có người không còn muốn chuyển đi nơi khác sau thời gian làm việc tại trường”.

Theo cô Hoàng Yến, trước đây, đường vào trường là đường đất, lại có nhiều điểm lẻ, khiến việc đi lại của giáo viên rất vất vả. Nhưng giờ đây, các điểm trường đã gộp lại, đường sá được đầu tư, xe cộ đi lại thuận tiện. Những thay đổi này giúp giáo viên cảm thấy bớt gian nan và dễ chấp nhận công tác tại vùng cao hơn.

Cô Yến cho rằng, chất lượng cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, môi trường sống càng nâng cao, sẽ càng thu hút được nhiều giáo viên tình nguyện đến công tác và gắn bó lâu dài với các trường vùng khó.

Dù các trường đều trong tâm thế sẵn sàng “đón” giáo viên mới về công tác, song trên thực tế, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

 Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Khắt ngày càng nâng cao. Ảnh: Website Trường

Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Khắt ngày càng nâng cao. Ảnh: Website Trường

“Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Khắt, có duy nhất nữ giáo viên dạy ngoại ngữ trong trường, cô phải đứng lớp dạy gần 500 học sinh. Nhà trường đã cố gắng bố trí tiết dạy hợp lý, vừa đảm bảo chất lượng học tập, vừa giữ gìn sức khỏe cho giáo viên.

Hằng năm, trường đều làm báo cáo và tham mưu lên các cấp quản lý nhằm đề xuất bổ sung giáo viên. Hầu hết, trường nhận được giáo viên biệt phái về giảng dạy, nhưng đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Khi kết thúc thời gian biệt phái, giáo viên sẽ quay trở về đơn vị cũ, khiến bài toán nhân lực vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, cô Yến bày tỏ.

Cũng theo nữ nhà giáo, điều kiện sống ở vùng cao đang ngày càng đi lên, mức lương và phụ cấp cũng dần cải thiện. Do đó, điều khiến nguồn giáo viên vẫn thiếu tại các trường vùng cao đến từ nguồn tuyển.

Việc bổ sung biên chế phụ thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, vì vậy nhà trường không thể chủ động tuyển dụng hay ký hợp đồng. Tất cả các kế hoạch nhân sự đều phải được báo cáo và chờ chỉ đạo từ cấp trên.

“Có nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm thu hút và thúc đẩy giáo viên lên vùng cao, nhưng nhìn từ thực tế thì vẫn chưa đủ. Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bền vững như mục tiêu của Nghị quyết 51 đã nêu, cần có sự quan tâm sát sao hơn từ các cấp lãnh đạo, nhất là trong việc duyệt biên chế, điều động và bố trí nhân sự hợp lý cho các trường vùng sâu, vùng xa”, cô Yến cho biết.

Phát triển đội ngũ giáo viên vùng cao cần giải pháp dài hạn

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vừ A Dính nhận định, bài toán thu hút giáo viên hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại. Mặc dù đời sống vật chất và tinh thần tại vùng cao đã có nhiều cải thiện, nhà công vụ được đảm bảo, đường sá thuận lợi, internet phủ sóng… nhưng giáo viên vẫn còn e ngại do khoảng cách địa lý và việc phải sống xa gia đình. Theo cô Ngân, đây chính là yếu tố khiến nhiều giáo viên trẻ đắn đo khi lựa chọn công tác lâu dài tại miền núi.

Ngoài việc cải thiện hạ tầng thì vấn đề cốt lõi cần được quan tâm hơn là nguồn tuyển và đào tạo giáo viên. “Ngay cả khi đã có chính sách thu hút, thì việc các trường vùng cao thiếu giáo viên vẫn là vấn đề nan giải. Điểm nghẽn hiện nay là nhiều địa phương dừng tuyển dụng. Ngay cả những người có nguyện vọng lên vùng cao cống hiến, nếu không được tuyển dụng thì cũng không thể hiện thực hóa mong muốn”, cô Ngân chia sẻ.

Theo cô Ngân, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên một cách bền vững, cần có chiến lược dài hạn, trong đó chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực ngay tại địa phương. Những sinh viên sư phạm có xuất phát điểm từ vùng cao, mong muốn trở về quê hương công tác, nên được ưu tiên tuyển dụng và hỗ trợ học tập. Họ có lợi thế lớn về ngôn ngữ, văn hóa bản địa, và sẽ dễ dàng hòa nhập cũng như gắn bó với công việc giảng dạy lâu dài.

Bên cạnh đó, những người đã tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng chưa đủ điều kiện bằng cấp để tuyển dụng cũng cần được tạo cơ hội học tập, nâng cao trình độ. Khi đạt chuẩn, họ sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ sự nghiệp giáo dục tại chính quê hương mình.

“Giáo viên là người bản địa sẽ không gặp rào cản ngôn ngữ, hiểu rõ tâm lý học sinh, không lo ngại khoảng cách địa lý xa quê hay điều kiện sống khiêm tốn – đó là yếu tố then chốt để xây dựng một đội ngũ giáo viên bền vững cho vùng cao”, cô Ngân khẳng định.

Nhằm giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thu hút giáo viên công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương, nhất là vùng miền núi, vùng khó khăn, thầy Phạm Văn Tiếp - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) cho biết, việc thu hút và giữ chân giáo viên công tác tại vùng cao luôn là một bài toán khó, đặc biệt đối với các huyện miền núi.

Hiện tại, toàn huyện Si Ma Cai đang thiếu hơn 60 giáo viên, chủ yếu ở bậc trung học cơ sở, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh, Tin học, cùng một số môn như Toán, Ngữ văn. Dù đã có những chính sách hỗ trợ nhất định, nhưng nguồn tuyển giáo viên vẫn rất khan hiếm.

 Thầy Phạm Văn Tiếp - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC

Thầy Phạm Văn Tiếp - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai). Ảnh: NVCC

So với những năm trước, tình hình thu hút giáo viên về công tác tại vùng khó khăn không có nhiều cải thiện. Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở bắt buộc phải có bằng đại học, trong khi trước đây chỉ cần trình độ cao đẳng. Việc này khiến cho nguồn cung giáo viên có đủ điều kiện tuyển dụng bị thu hẹp đáng kể.

Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ vẫn là một rào cản lớn. Mặc dù cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 đã được thực hiện trên toàn quốc, nhưng khoảng cách thu nhập giữa giáo viên vùng thuận lợi và vùng khó khăn vẫn lớn. Đặc biệt, khi một xã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, các chế độ hỗ trợ giáo viên bị cắt giảm đáng kể, trong khi điều kiện làm việc thực tế tại các xã này không có quá nhiều thay đổi.

“Việc đào tạo giáo viên sư phạm cũng đang gặp thách thức lớn. Chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP phần nào đã giúp thu hút người học vào ngành giáo dục, nhưng số lượng chỉ tiêu lại quá ít. Hơn nữa, điểm đầu vào của các trường đại học sư phạm ngày càng cao, có những ngành đòi hỏi 28 - 29 điểm mới trúng tuyển.

Các sinh viên có năng lực tốt, đặc biệt là những em giỏi Tin học, Tiếng Anh, thường lựa chọn những ngành nghề có triển vọng và mức lương cao hơn thay vì công tác tại vùng cao.

Một thực trạng đáng báo động khác là ngay cả khi có chỉ tiêu tuyển dụng, nhiều vị trí tại Lào Cai vẫn không có đủ hồ sơ nộp vào. Ví dụ có những đợt tuyển dụng chỉ có 1 - 2 hồ sơ đăng ký trên tổng số 10 chỉ tiêu. Điều này cho thấy việc thu hút giáo viên lên vùng cao vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, ngay cả khi điều kiện kinh tế tại vùng cao đang dần cải thiện”, thầy Tiếp bộc bạch.

Theo thầy Tiếp, để cải thiện tình trạng này, cần có những chính sách đặc thù và công bằng hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên công tác tại vùng cao. Một trong những đề xuất quan trọng là thay vì chỉ hỗ trợ giáo viên ở các xã đặc biệt khó khăn, cần có chính sách hỗ trợ chung cho toàn bộ giáo viên làm việc tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thay đổi này sẽ giúp đảm bảo sự công bằng và tăng khả năng thu hút nhân lực. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cũng cần được nâng cao, không chỉ tập trung vào giáo viên mới mà còn cần có chính sách giữ chân giáo viên lâu năm, tạo động lực để họ tiếp tục cống hiến.

“Về lâu dài, nguồn nhân lực giáo dục vùng cao cần được ‘nuôi’ ngay từ gốc. Các em học sinh ở vùng cao khi tốt nghiệp các trường sư phạm, chắc chắn sẽ muốn quay về công tác tại chính địa phương của mình. Nhưng nếu điểm đầu vào quá cao, nhiều em sẽ khó đạt được bởi chênh lệch về điều kiện học tập.

Do đó, cần có sự đổi mới trong cơ chế tuyển sinh đầu vào sư phạm, sao cho vừa đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, vừa tạo cơ hội cho học sinh vùng cao có nguyện vọng vào ngành.

Trước mắt, trong năm nay, việc phát triển và bổ sung đội ngũ nhà giáo sẽ chững lại bởi đất nước đang sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Phải chờ sau khi hoàn thiện bộ máy mới có thể bắt đầu tổ chức thi tuyển”, thầy Tiếp cho hay.

Ngọc Huyền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thu-hut-gv-cong-tac-tai-vung-kho-can-che-do-hap-dan-va-day-manh-nguon-tuyen-post250382.gd
Zalo