Thu hút đầu tư: Trọng chất hơn lượng
Với phương châm không thu hút đầu tư bằng mọi giá, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên có những chiến lược phát triển phù hợp, tận dụng các lợi thế riêng. Nhờ đó, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh đã có những đột phá mạnh mẽ, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Tạo động lực thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, thành lập các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong ảnh: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình (TP. Phổ Yên).
Hút dòng vốn FDI
Phát huy truyền thống lịch sử là cái “nôi” của ngành công nghiệp luyện kim của cả nước, trong thời kỳ mới, Thái Nguyên tập trung thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào sản xuất công nghiệp. Theo đó, tỉnh đã quy hoạch mở rộng 11 khu công nghiệp (KCN) và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 1.599ha; trong đó, ưu tiên thu hút dự án đầu tư phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm công nghệ cao, chế biến sâu, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, sản xuất thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo...
Từ thực tế, nhiều KCN với hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hệ thống giao thông kết nối thuận lợi được thành lập đã mở ra cơ hội lớn cho thu hút các dự án FDI. Đơn cử như sự hiện diện của KCN Yên Bình tại TP. Phổ Yên đã nhanh chóng thu hút được Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đến đầu tư triển khai thực hiện dự án nhà máy sản xuất thoại thông minh lớn thứ 2 toàn cầu của Tập đoàn. Samsung đến Thái Nguyên cũng tạo lực hút, kéo theo hàng chục nhà cung ứng, nhà đầu tư phụ trợ theo chuỗi giá trị đến từ Hàn Quốc, tạo ra một dòng vốn FDI chưa từng có.
Từ một Dự án ban đầu là Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên (SEVT) được khởi công tháng 3-2013, với số vốn 2 tỷ USD, chỉ sau 1 năm, Dự án tăng thêm 3 tỷ USD. Năm vừa qua, Samsung đã tăng vốn thêm 1.187 triệu USD vào Nhà máy Samsung Electro - Mechanics Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, nâng tổng mức đầu tư của Tập đoàn tại Thái Nguyên lên hơn 7,5 tỷ USD.
Cùng với phát triển các khu, cụm công nghiệp trong thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nổi bật như tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với các các sở, ban, ngành trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Theo đó, trong 3 năm (2021-2023), Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định thông qua phương án kiến nghị đơn giản hóa 139 TTHC trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhiều TTHC liên quan đến đến hoạt động kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp.
Bên cạnh cải cách TTHC, tỉnh đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các ngành nghề thu hút đầu tư phục vụ công nghiệp bán dẫn, điện tử. Ví như trong năm 2024, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp đã mở lớp đào tạo sinh viên chính quy ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn và vi mạch khóa đầu tiên với 49 sinh viên.
Ông Shin Ho Jin, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH Young jin Hi tech Việt Nam (KCN Điềm Thụy): “Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương, đặc biệt là việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, chứng nhận quyền sử dụng đất. Cùng với đó, Thái Nguyên có lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao chính là điều kiện để chúng tôi lựa chọn đầu tư vào Thái Nguyên”.
“Trái ngọt” trong thu hút đầu tư
Với những giải pháp mang tính đột phá nói trên, những năm qua, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều khởi sắc. Riêng năm 2024, toàn tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư 18 dự án ngoài ngân sách sử dụng vốn trong nước, với tổng số vốn trên 3.210 tỷ đồng; cấp quyết định chấp thuận nhà đầu tư cho 24 dự án với tổng số vốn gần 18.600 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 12 dự án với tổng số vốn trên 5.000 tỷ đồng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong ảnh: Người dân lấy số thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến, giúp Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, nhận định của giới chuyên gia, dư địa thu hút đầu tư của Thái Nguyên là rất lớn. Bởi tỉnh đã có nền tảng vững chắc khi được nhiều tập đoàn lớn như Samsung lựa chọn làm nơi xây dựng những cơ sở sản xuất quan trọng, góp phần tạo thêm niềm tin với nhiều nhà đầu tư khác và thuận lợi cho việc hình thành các chuỗi liên kết tại địa bàn.
Cùng với đó, quỹ đất công nghiệp đang mở rộng do có nhiều dự án hạ tầng phát triển KCN được các chủ đầu tư tích cực triển khai thực hiện. Có thể kể đến như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sông Công II - giai đoạn 2 (quy mô 296,24ha) vừa được Tổng Công ty Viglacera - CTCP khởi công trong tháng 3-2024. Ngoài ra, Thái Nguyên hiện có 27/41 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng, đang được triển khai xây dựng với tổng số vốn đăng ký gần 11.000 tỷ đồng…
Đặc biệt, sự năng động, quyết liệt trong quản lý, điều hành của chính quyền tỉnh; sự đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động; công tác cải cách TTHC luôn được đặc biệt quan tâm; hoạt động xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới, được đẩy mạnh ở cả trong và ngoài nước… cũng đã và sẽ giúp Thái Nguyên “ghi điểm” trong mắt các nhà đầu tư.
Năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010), giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ và bằng 97,6% kế hoạch.