Thu hút đầu tư nước ngoài: Dấu ấn cả về lượng và chất

Trong lúc dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng quyết liệt, thì số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý là ngày càng có nhiều dự án trong những lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn…

Thu hút FDI đạt kỷ lục mới

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/12/2024 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3,% so với cùng kỳ năm trước. Xét trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên toàn cầu chững lại thời gian qua, đặc biệt là nhìn vào chất lượng các dự án đăng ký, có thể nói đây là một thành công đáng ghi nhận.

Điểm sáng ấn tượng hơn trong bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài chính là mức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2024 có mức tăng cao 9,4% so với năm trước, ước đạt 25,35 tỷ USD. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất từ trước đến nay.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20,62 tỷ USD, chiếm 81,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,84 tỷ USD, chiếm 7,2%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 4,2%. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD.

“Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao” - GS. TSKH Nguyễn Mại đánh giá.

Không chỉ ở con số, dấu ấn thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam còn ở chất lượng dòng vốn đầu tư đang ngày một cải thiện. Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn trong năm qua.

Việt Nam trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất

Năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của đầu tư, kinh doanh quốc tế, nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với gần 40 tỷ USD đăng ký, vốn thực hiện đạt gần 25 tỷ USD.

Điển hình như Tập đoàn Amkor đã tăng vốn đầu tư thêm 1,07 tỷ USD trong năm 2024, sớm hơn tới 11 năm so với kế hoạch ban đầu, nâng tổng vốn đầu tư tại nhà máy ở Bắc Ninh lên 1,6 tỷ USD. Samsung Display cam kết đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào nhà máy sản xuất màn hình LED ở Bắc Ninh. LG Display cũng tiếp tục tăng vốn thêm 1 tỷ USD. Nhiều tên tuổi lớn khác như Foxconn, Goertek cũng đã và đang tiếp tục các kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Không chỉ riêng sản xuất điện tử mà cả những lĩnh vực giá trị gia tăng cao cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4/2025. Tỷ phú Jensen Huang của Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) năm qua quay trở lại Việt Nam và chính thức ký thỏa thuận hợp tác với Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cũng đã tăng trong những tháng gần đây. Các luật về đất đai, bất động sản, nhà ở có hiệu lực sớm vào tháng 8/2024 là một trong những động lực đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư trên thị trường.

Theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam, với triển vọng cơ bản vẫn tích cực, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút tốt dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất.

Việc các dự án tăng vốn cũng như vốn thực hiện tăng mạnh cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào môi trường, chính sách đầu tư của Việt Nam nên đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đẩy mạnh giải ngân cũng như mở rộng quy mô các dự án hiện hữu. Cùng với các thế mạnh của thị trường Việt Nam, những nỗ lực liên tục nhằm tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao về cả chiều rộng và chiều sâu của các lãnh đạo cấp cao với các đối tác quốc tế cũng đóng vai trò là động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư.

Lần đầu tiên có chính sách hỗ trợ bằng tiền cho nhà đầu tư

 Dấu ấn thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam còn ở chất lượng dòng vốn đầu tư ngày một cải thiện. Ảnh tư liệu

Dấu ấn thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam còn ở chất lượng dòng vốn đầu tư ngày một cải thiện. Ảnh tư liệu

Mục tiêu của Việt Nam là tập trung thu hút các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen... Đây được coi là một trong những động lực quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Để thu hút được dòng vốn theo mục tiêu này, các chuyên gia lưu ý cần tập trung vào những chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút được FDI vào những lĩnh vực mà chúng ta mong muốn. Lâu nay, nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn thiếu tính đa dạng và cạnh tranh do chủ yếu là ưu đãi thuế dựa trên thu nhập mà chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí. Việt Nam vẫn chưa bắt kịp được với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế.

Và một tin vui “chốt hạ” cho năm 2024 là ngay trong ngày cuối năm, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định việc thành lập và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp công nghệ cao, có hiệu lực từ 31/12/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.

Quỹ này tập trung hỗ trợ các lĩnh vực cốt lõi như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và thiết kế vi mạch. Các khoản tài trợ không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.

Với sự ra đời của Nghị định 182/2024/NĐ-CP, Chính phủ đã mang đến một động lực chiến lược để thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và đổi mới sáng tạo công nghệ cao trong khu vực. Từ việc ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư mới, trong đó có việc lần đầu tiên thực hiện hỗ trợ bằng tiền cho các nhà đầu tư, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng, hấp dẫn các "đại bàng" bay đến Việt Nam.

Ban hành tiêu chí cụ thể để hỗ trợ tài chính cho các dự án công nghệ cao

Các dự án bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D) nếu đáp ứng các tiêu chí trong Nghị định 182/2024/NĐ-CP, sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Theo đó, các dự án trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn hoặc trí tuệ nhân tạo cần có vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng hoặc doanh thu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, các dự án thiết kế vi mạch không yêu cầu mức vốn cụ thể nhưng phải sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư Việt Nam và đào tạo 30 kỹ sư chất lượng cao hàng năm. Mức hỗ trợ tối đa lên đến 50% chi phí thực tế phát sinh trong năm tài chính cho các hoạt động như R&D, đào tạo nhân lực và phát triển sản phẩm.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-dau-an-ca-ve-luong-va-chat-168682-168682.html
Zalo