Thu hút đầu tư để tăng cạnh tranh cho nông nghiệp

Đồng Nai có nhiều lợi thế thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bởi trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi lớn và nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu.

Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty TNHH Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên

Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty TNHH Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên

Thời gian qua, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch gắn với xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ.

Nhiều lợi thế thu hút đầu tư

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 16 dự án đầu tư vào nông nghiệp được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó có 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 962,3 tỷ đồng; 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 14 triệu USD. Tiêu biểu là Dự án Nhà máy chiếu xạ và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ bức xạ tại Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) với quy mô chiếu xạ 100 ngàn tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 2,1 ngàn doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, tăng 335 DN, cơ sở so với năm 2021. Trong đó, các DN, cơ sở tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.

Trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 22 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của 16 DN, 20 HTX, 921 trang trại và hộ nông dân. Tổng kinh phí phê duyệt hỗ trợ hơn 63,8 tỷ đồng.

Đồng Nai cũng có nhiều lợi thế về vùng nguyên liệu để thu hút DN đầu tư sơ chế, chế biến nông sản.

Giám đốc Công ty TNHH Real Farm (huyện Trảng Bom) Lê Trung Hòa cho biết, việc xây dựng những vùng chuyên canh lớn, đạt chuẩn xuất khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là điều kiện để trái chuối của Việt Nam tham gia tốt thị trường xuất khẩu. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc thì những thị trường khác như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… còn rất giàu tiềm năng. DN chọn đầu tư nhà xưởng tại Đồng Nai ngoài những điều kiện về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng thì vùng chuyên canh trồng chuối chất lượng cao cũng là yếu tố quyết định.

Ngoài DN, Đồng Nai cũng phát triển tốt các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 62 HTX nông nghiệp cung ứng các dịch vụ cho các thành viên và nông dân trong vùng sản xuất.

Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (huyện Xuân Lộc) Trần Quang chia sẻ, HTX là cầu nối liên kết nông dân xây dựng cánh đồng lớn trồng bắp, nhất là các giống lúa đặc sản cho giá trị cao. HTX còn là đầu mối cung cấp vật tư nông nghiệp cho xã viên và bà con nông dân tại địa phương. Lợi thế của HTX là đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến. Nhờ đó, sản phẩm gạo đặc sản trồng theo quy trình sạch của HTX đang bán ra với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định và lợi nhuận tốt cho xã viên.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Ngoài những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và các vùng chuyên canh sản xuất lớn, xuyên suốt qua các thời kỳ, Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai luôn quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng là điểm cộng trong mắt các nhà đầu tư. Đặc biệt, công tác thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao luôn được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, thành phố quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều hình thức.

Hàng năm, tỉnh đã ban hành chương trình xúc tiến đầu tư; ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch và đặc biệt quan tâm mời gọi đầu tư các dự án thuộc ngành nông nghiệp và công nghệ chế biến nông sản. Các ngành, địa phương tích cực tổ chức các hội nghị đối thoại với DN, kết nối DN với đơn vị sản xuất; kết nối đơn vị sản xuất với các bếp ăn tập thể; hướng dẫn, hỗ trợ DN lựa chọn địa điểm đầu tư; tổ chức, hỗ trợ DN, HTX tham gia xây dựng chuỗi liên kết, tham gia các hoạt động giao thương trong và ngoài tỉnh.

Các DN, HTX và nông dân đã chủ động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm. Loại hình công nghệ cao được ứng dụng nhiều hiện nay là tưới tự động, bán tự động; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); sản xuất trong nhà lưới, nhà màng; trồng cây trên giá thể; công nghệ chuồng lạnh kết hợp chăn nuôi bán tự động và công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Trần Vũ Hoài Hạ cho hay, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp có vai trò đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn vì không chỉ tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu, mà còn góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là giải pháp góp phần thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh đang triển khai 2 cụm công nghiệp là: Cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) và Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán). 2 cụm công nghiệp này ưu tiên thu hút các DN đầu tư chế biến nông sản theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, hình thành nên các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân, phát triển nông nghiệp xanh.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/thu-hut-dau-tu-de-tang-canh-tranh-cho-nong-nghiep-5f6610e/
Zalo