Thu hồi đất đừng chỉ nên cân đong đo đếm bằng tiền

Phải coi người bị thu hồi đất thực sự là người hy sinh, từ đó làm chính sách một cách toàn diện chứ không phải cân đo đong đếm chỉ bằng tiền.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh phát biểu tại Hội nghị - (Ảnh Ngọc Vinh).

Luật sư Trần Hữu Huỳnh phát biểu tại Hội nghị - (Ảnh Ngọc Vinh).

Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh cần có chính sách bồi thường, hỗ trợ riêng với cá trường hợp thu hồi đất để phát triển thương mại.

Ý kiến này được nêu tại Hội nghị lấy ý kiến các vị ủy viên Hội đồng, các chuyên gia, nhà khoa học vào Dự án Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) diễn ra chiều ngày 20/2, do Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) tổ chức.

Ủy viên Hội đồng này, ông Trần Hữu Huỳnh nhận xét, vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, là một trong những vấn đề nóng còn chưa thống nhất trong câu chuyện Luật Đất đai.

"Tôi băn khoăn nguyên tắc mà được nhiều người tán dương nhất là nguyên tắc việc bồi thường phải bảo đảm người có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm thu nhập, điều kiện sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ", ông Huỳnh bày tỏ.

Bời vì, tuyên ngôn ở nguyên tắc như là rường cột, còn các điều luật cụ thể trong chương này, trừ các điều kiện sống về điện, đường, trường, trạm, cơ sở giáo dục, còn lại quy định khác lại không rõ.

"Tôi không biết sau này khi xảy ra khiếu nại, khiếu kiện tòa án sẽ xử thế nào, tổ chức hòa giải thế nào, hơn nơi ở cũ là thế nào, thu nhập là bao gồm những thu nhập gì", ông Huỳnh đặt vấn đề.

Theo vị luật sư này thì cách tiếp cận cận trong thu hồi đất mới chỉ theo khía cạnh vật chất, không tiếp cận theo khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống, quá khứ của con người, của gia đình bị thu hồi.

"Bởi chúng ta ở đây ai chả có quê hương. Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/khi ta đi đất đã hóa tâm hồn, thu hồi cả tâm hồn của người ta mà chỉ tính bằng tiền sao", ông Huỳnh phát biểu.

Và theo ông, nếu đặt vấn đề một cách nhân văn như vậy thì phải coi người bị thu hồi đất thực sự là người hy sinh. Như vậy phải làm chính sách một cách toàn diện chứ không phải cân đo đong đếm.

Quá trình thảo luận về Dự thảo, khá nhiều ý kiến đại biểu còn lo ngại về quy định thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Và đây cũng là vấn đề gây băn khoăn tại Hội nghị.

Ông Huỳnh cho rằng Dự thảo không có sự phân biệt trong bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp thu hồi đất khác nhau.

"Tôi ủng hộ các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, các dự án nhà nước đầu tư theo hình thức công tư. Nhưng tôi cho rằng không nên quy định thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội vì đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất. Chủ nghĩa tư bản thân hữu, mất cán bộ, mất đảng viên... nảy sinh rất nhiều từ quy định này", ông Huỳnh nhìn nhận.

Trường hợp Dự thảo không thể giải thích một cách thuyết phục thế nào là thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Huỳnh đề nghị đối với dự án phát triển về thương mại thì cần có chính sách bồi thường, hỗ trợ riêng.

Cũng góp ý về việc thu hồi đất phục vụ cho quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội, vì mục đích công cộng, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) lưu ý rằng, có những vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật.

Ông Nhưỡng nhấn mạnh, theo Nghị quyết 18/NQ-TW, Nhà nước cần “Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”. Điều đó là nhằm tránh tình trạng lợi dụng khái niệm vì lợi ích “công cộng” để thực hiện các mục tiêu phi “công cộng" hay là tình trạng “công cộng” hóa mục tiêu thương mại.

Nếu theo tinh thần đó, ngoài việc quy định các tiêu chi, thẩm quyền, điều kiện...thì cần phải quy định rõ trong Luật Đất đai các trường hợp cụ thể thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng; đồng thời cũng phải nghiên cứu xác định rõ trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phân biệt đất do cơ quan, đơn vị quốc phòng, an ninh sử dụng với đất có mục đích “quốc phòng, an ninh”.

Ví dụ, trường hợp thu hồi đất để xây dựng khu hành chính mới, trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc nhằm mục đích xây dựng nhà ở xã hội, khu tái định cư cho người bị thu hồi đất làm dự án công là khác với xây dựng khu đô thị, khu sinh thái với mục đích thương mại, kinh doanh kiếm lời. Trường hợp này hiện nay đang bị lạm dụng thông qua nghị quyết của hội đồng nhân dân, cần được loại bỏ trong các trường hợp thu hồi đất vì mục đích “công cộng” - ông Nhưỡng nêu.

Tinh thần của Nghị quyết 18 là phải bảo đảm thực hiện việc “Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; Nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững”. Từ đó pháp luật đất đai phải thể chế chủ trương nêu trên như thế nào để khắc phục nghịch lý hiện nay: thu hồi đất làm dịch vụ – thương mại thì theo phương án thỏa thuận, có thể bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích của người sử dụng đất; ngược lại khi thu hồi đất thực hiện dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng thì gây thiệt thòi về quyền, lợi ích của người dân, ông Nhưỡng góp ý.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thu-hoi-dat-dung-chi-nen-can-dong-do-dem-bang-tien-d184068.html
Zalo