Thu giữ tài sản bảo đảm chỉ là 'liệu pháp tâm lý'?
Luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm từng gây nhiều tranh luận do lo ngại bị lạm dụng. Tuy nhiên, theo quan điểm từ phía các ngân hàng, đây không phải 'gậy thần' để xử lý nợ xấu, mà chỉ nhằm nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng - một liệu pháp tâm lý hơn là biện pháp cưỡng chế thực sự.

Toàn cảnh tọa đàm “Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu” diễn ra ngày 21-4-2025. Nguồn: nhandan.vn
Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội - văn bản cho phép thí điểm việc tổ chức tín dụng (TCTD) được thu giữ tài sản bảo đảm - đã chính thức hết hiệu lực từ ngày 31-12-2023. Từ đó đến nay, tình hình nợ xấu có dấu hiệu xấu đi rõ rệt.
Tại tọa đàm “Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu” diễn ra ngày 21-4-2025, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết nợ xấu toàn hệ thống đến cuối năm 2023 là 4,55%, sang cuối năm 2024 tăng lên 5,46%, tương đương hơn 1,03 triệu tỉ đồng. Trong hai tháng đầu năm nay, nợ xấu tăng thêm 34.000 tỉ đồng nữa, nâng tổng số lên 1,06 triệu tỉ đồng - cao hơn so với giai đoạn triển khai Nghị quyết 42.
Đáng chú ý, theo ông Hùng, sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng suy giảm rõ rệt. Thậm chí, một số trường hợp không tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm, không trả lãi, thậm chí kéo ngân hàng vào tranh chấp pháp lý. Trước đó, khi còn hiệu lực, Nghị quyết 42 giúp nâng tỷ lệ khách hàng tự trả nợ từ 20% lên 36% - một phần nhờ TCTD có quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Nay công cụ pháp lý này không còn, tiến độ xử lý nợ xấu đã chững lại.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết nợ xấu toàn hệ thống đến cuối năm 2023 là 4,55%, sang cuối năm 2024 tăng lên 5,46%. Trong hai tháng đầu năm nay, nợ xấu tăng thêm 34.000 tỉ đồng nữa, nâng tổng số lên 1,06 triệu tỉ đồng - cao hơn so với giai đoạn triển khai Nghị quyết 42.
Xuất phát từ thực tế này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, trong đó đề xuất luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo tinh thần Nghị quyết 42. Theo đó, các TCTD được thu giữ tài sản bảo đảm nếu có thỏa thuận hợp pháp từ trước với khách hàng.
Tuy nhiên, việc trao quyền cho TCTD trong xử lý tài sản thế chấp là vấn đề trước nay gây tranh luận. Một phía cho rằng luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm là cần thiết để thúc đẩy xử lý nợ xấu. Phía còn lại lo ngại ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản và quyền về chỗ ở - những quyền đã được Hiến pháp và Bộ luật Dân sự bảo hộ. Băn khoăn lớn là liệu khách hàng có thật sự tự nguyện đồng ý thỏa thuận thu giữ tài sản bảo đảm khi đang ở thế yếu về tài chính lúc vay vốn?
Diễn biến này tiếp tục lặp lại khi NHNN sửa Luật các TCTD lần này và đề xuất luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đề xuất này cần đánh giá thêm ở hai khía cạnh: tính bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của người vay; bởi hoạt động cho vay có tài sản bảo đảm giữa TCTD và người vay là một giao dịch dân sự. Do đó, cần làm rõ cơ sở pháp lý để TCTD được áp dụng cơ chế riêng này, trong khi các chủ thể khác không có quyền tương tự.
“Tôi cho rằng, giao kết với ngân hàng cũng là một giao kết thương mại dân sự. Chẳng hạn, các hợp đồng năng lượng cũng quan trọng vì giá trị tới hàng tỉ đô la Mỹ, nếu không tuân thủ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho các bên. Do đó, khó có thể nói rằng, giao kết với ngân hàng thương mại lại quan trọng hơn so với những giao kết khác, và từ đó đặt ra yêu cầu phải có những chế định pháp lý ưu việt hơn”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI nói tại tọa đàm nêu trên.
Tuy nhiên, các ngân hàng khẳng định họ không muốn và cũng không dễ lạm dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc ban Pháp chế, Ngân hàng BIDV, cho biết trong sáu năm áp dụng Nghị quyết 42, toàn hệ thống BIDV mới chỉ thực hiện 85 hồ sơ thu giữ tài sản bảo đảm; áp dụng tố tụng rút gọn ra tòa chỉ tám hồ sơ, trong đó có ba hồ sơ được xử lý. Từ đây, bà Hương khẳng định: “các biện pháp mạnh không phải là gậy thần hay đặc quyền với các TCTD”. Bản thân các ngân hàng khi thực thi quyền thu giữ tài sản bảo đảm đều phải suy xét cẩn trọng, bảo đảm tính hợp pháp và sự hài hòa, cân đối giữa lợi ích của các bên chứ không thể lạm quyền. Hơn nữa, mọi hợp đồng áp dụng biện pháp mạnh đều phải hợp pháp, đúng quy chuẩn tín dụng; các văn kiện liên quan phải đầy đủ, rõ ràng. Trên cơ sở đó, mỗi TCTD đều có quy trình nội bộ nghiêm ngặt, công khai, minh bạch để áp dụng, không thể lạm dụng tùy tiện.
Theo bà Phương, lý do chính để luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm là nhằm nâng cao ý thức trả nợ. “Đây chỉ là một liệu pháp tâm lý để bảo đảm về mặt pháp lý, giúp khách hàng có trách nhiệm hơn với khoản vay và tránh bội tín”, bà nói.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng quyền thu giữ tài sản bảo đảm là biện pháp cuối cùng, nhưng cần thiết để khách hàng nhận thức rõ trách nhiệm trả nợ và hợp tác với ngân hàng.
Dù còn ý kiến trái chiều, nhưng tại tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất rằng: nếu luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm thì cần quy định rõ ràng, minh bạch về điều kiện áp dụng, trình tự thủ tục; đồng thời phải có thiết chế đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người vay, không xâm phạm quyền sở hữu của cá nhân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, các diễn giả nhấn mạnh, nợ xấu là vấn đề lớn của nền kinh tế, cần phải xử lý hiệu quả để đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cho rằng nợ xấu hiện nay hơn 1 triệu tỉ đồng, tương đương 40 tỉ đô la Mỹ, là gánh nặng lớn đối với nền kinh tế. Nếu không xử lý, đây sẽ là “vốn chết”, gây ách tắc dòng vốn, kìm hãm tăng trưởng. Ông nhấn mạnh, nếu nợ xấu được kéo giảm về mức 2-3% thay vì 6-7% hiện tại, sẽ mở ra dư địa cho ngân hàng hạ lãi suất, tăng đầu tư và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính.