Thủ đoạn xuyên tạc ngày hội tòng quân bảo vệ Tổ quốc

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý nhất; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an không chỉ là trách nhiệm mà cao hơn là niềm tự hào của mỗi thanh niên Việt Nam để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, tự tin hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu 'Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng hoạt động này để gây nhiễu thông tin, tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an.

Bổn cũ soạn lại

Trong khi các địa phương trong cả nước hòa chung không khí vui tươi, phấn khởi hướng về ngày hội tòng quân thì các tổ chức phản động, số đối tượng cơ hội chính trị lại ra sức đả phá. Lợi dụng quyền tự do ngôn luận, các đối tượng đăng tải, chia sẻ các video, bài viết, bình luận xuyên tạc bản chất của hoạt động tuyển quân, đời sống của chiến sĩ nghĩa vụ tại ngũ. Chúng vu cáo việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an là “cưỡng ép thanh niên nhập ngũ”, “tước đoạt quyền tự do cá nhân”, “mất hai năm tuổi trẻ”, “cản trở sự nghiệp”, “đánh mất tương lai”…

Một số đối tượng còn lặp đi lặp lại luận điệu xuyên tạc “đi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an chỉ dành cho con nhà nghèo”; giả vờ “góp ý” rằng “đất nước hòa bình sao không cho thanh niên lập nghiệp, làm giàu lại bắt đi lính”, từ đó vu cáo “đi nghĩa vụ quân sự, Công an gây lãng phí nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội”... Trong những ngày diễn ra hoạt động tòng quân thì chiêu trò bôi đen đời sống của người lính nghĩa vụ trên mạng xã hội cũng có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng xấu thổi phồng, cường điệu hóa những vụ việc cá biệt, đơn lẻ xảy ra trong môi trường quân ngũ để đưa ra những quy kết, cáo buộc, phỉ báng lực lượng vũ trang.

Trên mạng xã hội của những phần tử xấu còn cắt ghép, tạo dựng hình ảnh, những thước phim phản cảm, bóp méo sự thật, xuyên tạc về đạo đức, tác phong người chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân; tạo tình huống chiến sĩ bị người yêu phản bội, chia tay để đi theo lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng; xuyên tạc việc chiến sĩ đi nghĩa vụ bị chỉ huy tra tấn, hành hung, từ đó hướng lái dư luận nhằm gây hoang mang các phụ huynh có con em đi nghĩa vụ. Ngoài ra, một số nhóm, hội trên mạng xã hội và diễn đàn trực tuyến lập ra các chủ đề như “cách trốn nghĩa vụ quân sự, Công an hợp pháp”, “mẹo trốn nghĩa vụ”, “cách rớt khám sức khỏe”... Nguy hại hơn, bên dưới những hình ảnh, video xấu độc đó lại được một bộ phận giới trẻ bày tỏ trạng thái đồng tình, thậm chí là cổ súy, tán dương chia sẻ.

Có thể thấy, mặc dù là chiêu trò cũ song âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là tinh vi, nguy hiểm, những nguy hại là hết sức khó lường. Bởi đối tượng mà các thế lực thù địch hướng đến là một bộ phận người dân thiếu hiểu biết về việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an, đặc biệt là giới trẻ. Thông qua đó, các đối tượng xấu kích động người trẻ, nhất là một bộ phận còn mơ hồ, thiếu hiểu biết về chính trị, có lối sống hưởng thụ tham gia các hoạt động trốn tránh nghĩa vụ, đòi xóa bỏ quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, Công an. Một mặt khiến cho thanh niên nhập ngũ “tự diễn biến”, buông lỏng về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân; mặt khác làm cho thân nhân của thanh niên nhập ngũ hoang mang, thiếu niềm tin, không muốn cho con em mình gia nhập Công an, Quân đội. Đồng thời, các thế lực thù địch gieo rắc tâm lý lơ là, xem nhẹ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Đây là những luận điệu sai trái và phiến diện. Trên thực tế, nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an là trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của công dân đối với đất nước, được quy định rõ trong Hiến pháp và Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật CAND. Bên cạnh đó, Nhà nước có chính sách tuyển chọn công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng và có những chế độ hỗ trợ thiết thực cho thanh niên nhập ngũ cũng như gia đình họ.

Những đối tượng xấu này cố tình lờ đi thực tế là để duy trì nền độc lập, tự chủ, rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn đang áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự. Như ở Hàn Quốc, tất cả nam giới khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-28 đều phải nhập ngũ khoảng hai năm. Ở Nga, nghĩa vụ quân sự là bắt buộc đối với nam giới từ 18 đến 27 tuổi. Nghĩa vụ quân sự được biết đến với tên nghĩa vụ quốc gia ở Singapore, là nghĩa vụ bắt buộc mà mọi công dân nam phải thực hiện khi đủ 18 tuổi. Nghĩa vụ quân sự ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất được biết đến với tên nghĩa vụ quốc gia, là bắt buộc đối với tất cả nam giới trong độ tuổi từ 17 đến 30, thời hạn của nghĩa vụ là 16 tháng. Nghĩa vụ quân sự của Israel được áp dụng cho cả nam và nữ…

Hàng vạn thanh niên hào hứng tham gia nghĩa vụ Quân sự, Công an.

Hàng vạn thanh niên hào hứng tham gia nghĩa vụ Quân sự, Công an.

Vinh dự, tự hào là người chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân

Dựng nước gắn liền với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc, đó là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, các thế hệ người Việt Nam luôn biết tiếp nối truyền thống cha ông, chung sức đồng lòng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Quy luật đó là bất biến. Dù trong giai đoạn lịch sử nào, chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc chỉ có thể được bảo toàn vẹn khi có sự tham gia, vào cuộc của toàn dân.

Là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc ta ý thức rất rõ về giá trị của hòa bình, độc lập và tự do. Do đó, công cuộc giữ nước sử dụng sức mạnh tổng hợp của toàn dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân luôn được chú trọng, đặt lên hàng đầu. Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân tộc, là trách nhiệm với Tổ quốc, quê hương. Do vậy, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang, đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú. Chính vì vậy, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mỗi công dân.

Điều 45, Hiến pháp năm 2013 quy định “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”. Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đã quy định cụ thể “Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật này” (khoản 2, Điều 4). Điều 30, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định, công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Cũng theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mỗi công dân Việt Nam ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình nghĩa vụ với đất nước mà đặc biệt là nghĩa vụ quân sự. Đó không chỉ là nghĩa vụ với hiện tại và tương lai trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc mà còn là trách nhiệm bảo vệ thành quả cách mạng của những bậc cha ông đi trước - những người đã ngã xuống vì nền hòa bình, độc lập dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. Được hưởng thành quả của cha ông đã dày công xây dựng, vun đắp, mỗi thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, Công an chính là thể hiện nghĩa vụ cao cả và lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ đi trước.

Hiện nay đất nước hòa bình song các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam, những thách thức đe dọa tới độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ vẫn hiện hữu, hết sức phức tạp, khó lường. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Việc kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở nước ta là biểu hiện sinh động của việc nắm vững và giải quyết tốt mối quan hệ lớn giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ rõ: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn”. Vì thế, nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế mà buông lỏng, xem nhẹ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, cho rằng không cần thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an là luận điệu hoàn toàn sai trái, cực đoan.

Được khoác lên mình tấm áo người chiến sĩ lực lượng vũ trang là niềm tự hào của hàng triệu thanh niên Việt Nam. Thời gian thực hiện nghĩa vụ trong Quân đội, Công an là cơ hội để mỗi thanh niên được trải nghiệm, rèn luyện và trưởng thành, phát triển những phẩm chất mà môi trường khác khó có thể mang lại. Đây là ngày hội lớn của toàn dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Những luận điệu sai trái về ngày hội tòng quân gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tuyển quân. Vì vậy, mỗi người cần cảnh giác, chủ động tìm hiểu thông tin từ nguồn chính thống, không để bị lôi kéo bởi các thế lực thù địch. Đồng thời, cần tích cực tuyên truyền về nghĩa vụ thiêng liêng của công dân, lan tỏa hình ảnh đẹp của người chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Chu Thắng – Trịnh Thúy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/thu-doan-xuyen-tac-ngay-hoi-tong-quan-bao-ve-to-quoc-i759284/
Zalo