Thủ đoạn tinh vi, lừa đảo người đặt phòng du lịch

Thời gian gần đây lại xuất hiện tình trạng lừa đảo du khách khi đặt phòng khách sạn, homestay qua mạng Internet. Thủ đoạn của các đối tượng là giả mạo website, fanpage của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có uy tín hoặc tạo tài khoản mạng xã hội để đăng tin khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhằm lừa khách đặt phòng, yêu cầu chuyển khoản trước rồi chiếm đoạt tiền.

"Ma trận" bài bản

Thời gian gần đây lại xuất hiện tình trạng lừa đảo du khách khi đặt phòng khách sạn, homestay qua mạng Internet. Thủ đoạn của các đối tượng là giả mạo website, fanpage của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng có uy tín hoặc tạo tài khoản mạng xã hội để đăng tin khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn nhằm lừa khách đặt phòng, yêu cầu chuyển khoản trước rồi chiếm đoạt tiền.

Công an TP Hải Phòng hiện đang xác minh, điều tra vụ một người phụ nữ trình báo bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng nghỉ cho gia đình tại một khu du lịch ở Ninh Bình.

Nhiều nạn nhân cả tin đã chuyển tiền cho các đối tượng

Nhiều nạn nhân cả tin đã chuyển tiền cho các đối tượng

Công an TP Hải Phòng cho biết đơn vị đã nhận được đơn của chị P.T.T. (trú tại TP Hải Phòng) trình báo về việc bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng nghỉ tại một khu du lịch ở tỉnh Ninh Bình.

Chị P.T.T trình bày, do gia đình có nhu cầu nghỉ dưỡng vào dịp Tết Ất Tỵ vừa qua, chị đã lên mạng tìm kiếm thông tin. Vì đã nhiều lần đặt phòng qua các trang fanpage (trang cá nhân) của các khu nghỉ dưỡng thành công, nên chị T. khá tin tưởng vào các trang fanpage.

Chị T. đã chuyển các khoản tiền lần lượt là 9,5 triệu đồng, 125,6 triệu đồng và 379,6 triệu đồng. Khoản tiền cuối cùng chị T. chuyển vào tài khoản mạo danh khu nghỉ dưỡng ở Ninh Bình là 485,6 triệu đồng.

Theo chị T., các đối tượng đã dẫn dắt, đưa chị vào "ma trận" rất bài bản và tinh vi tới từng chi tiết nhỏ. Chúng liên tục thúc ép đối phương chuyển tiền trong khoảng thời gian rất gấp gáp để vị khách không kịp suy tính

Khi khoản tiền cuối cùng được chuyển đi là 485,6 triệu đồng, chị T. thấy hoang mang nên hỏi lại đối phương cho xin số của quản lý khu nghỉ dưỡng, nhờ hỗ trợ thì bị ngắt máy, không liên lạc được.

Thời điểm này, chị T. như bừng tỉnh. Chị vội vàng lên mạng tra cứu số hotline (đường dây nóng) của khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, khu du lịch này khẳng định fanpage chị T. giao dịch là giả mạo, đơn vị này cũng không sở hữu công ty nào có tên như chủ sở hữu tài khoản ngân hàng mà chị T. mô tả.

Theo chị T., tổng số tiền chị đã chuyển cho các đối tượng trong vòng 2 - 3 tiếng là hơn 1 tỷ đồng.

"Bình cũ, rượu mới"

Nhiều người cho rằng thủ đoạn này không mới, nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân mắc bẫy. Một số ý kiến cho rằng kẻ gian lợi dụng tâm lý tiếc tiền của nạn nhân, khiến họ liên tục làm theo hướng dẫn với hy vọng lấy lại số tiền đã mất. Một số người cũng chia sẻ kinh nghiệm từng gặp tình huống tương tự khi đặt vé máy bay hoặc dịch vụ du lịch nhưng may mắn phát hiện sớm và tránh được tổn thất.

Vấn đề fanpage giả mạo khách sạn, resort không phải là chuyện hiếm. Nhiều đối tượng đã lập ra các trang web, fanpage có tên và giao diện gần giống với các đơn vị kinh doanh uy tín, thậm chí có tích xanh để tăng độ tin cậy. Những trang này thường có lượng tương tác cao và đăng tải nội dung bài bản, khiến nhiều người tin tưởng. Dù các đơn vị kinh doanh đã nỗ lực báo cáo để đánh sập những trang lừa đảo, tình trạng này vẫn diễn ra tràn lan khi các trang mới liên tục xuất hiện.

Cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi đặt cọc phòng

Cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi đặt cọc phòng

Trước thực trạng này, cơ quan chức năng khuyến cáo, để tránh bị lừa, khách hàng nên đặt phòng qua các nền tảng đặt phòng uy tín hoặc liên hệ trực tiếp với khách sạn thông qua số điện thoại chính thức. Ngoài ra, nếu thấy yêu cầu đặt cọc quá cao, từ 70% đến 100%, cần đặc biệt cảnh giác, bởi các đơn vị làm ăn uy tín thường chỉ yêu cầu cọc tối đa 50% hoặc thấp hơn.

Nhiều cư dân mạng cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tế của mình khi suýt trở thành nạn nhân của chiêu trò này. Một số người phát hiện dấu hiệu lừa đảo nhờ kiểm tra lại thông tin chủ sở hữu tài khoản ngân hàng hoặc gọi trực tiếp đến khách sạn để xác nhận đặt phòng. Một số khác nhấn mạnh rằng các trang giả mạo thường sử dụng tên công ty hoặc chủ đầu tư không rõ ràng, nếu kiểm tra kỹ sẽ thấy điểm đáng ngờ.

Trong bối cảnh đặt phòng trực tuyến ngày càng phổ biến, các đối tượng lừa đảo cũng không ngừng thay đổi chiêu thức để chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, người tiêu dùng cần cẩn trọng, kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện giao dịch để tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò tinh vi này.

Minh Khánh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-doan-tinh-vi-lua-dao-nguoi-dat-phong-du-lich-post602986.antd
Zalo