Thủ đô Hà Nội 70 năm ngày Giải phóng: Vươn mình tạo vị thế

Ngày Giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, mở ra thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. 70 năm sau ngày Giải phóng, Hà Nội đã vươn mình thành trung tâm chính trị - văn hóa - giáo dục của cả nước.

Ký ức ngày Giải phóng

Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới,... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội.

Bác sỹ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Hà Nội vẫy tay chào đồng bào Hà Nội. Ảnh Vũ Minh.

Bác sỹ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Hà Nội vẫy tay chào đồng bào Hà Nội. Ảnh Vũ Minh.

Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của giặc nay được giải phóng, đã đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố.

Trong niềm vui hân hoan chờ đợi, đoàn xe đầu tiên tiến vào thành phố là của Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thủ đô và bác sỹ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Hà Nội đi qua phố Hàng Đào để vào trung tâm thành phố với nụ cười rạng rỡ, vẫy tay chào bà con Hà Nội thân yêu đã 9 năm xa cách, mà lòng vẫn canh cánh nhớ nhung...

Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Cậu bé khoảng 6, 7 tuổi (em ruột của người chụp bức ảnh - Lê Sửu), tay cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào các chú bộ đội pháo binh hùng dũng.

Cậu bé khoảng 6, 7 tuổi (em ruột của người chụp bức ảnh - Lê Sửu), tay cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào các chú bộ đội pháo binh hùng dũng.

Đã 70 năm trôi qua (1954 - 2024), những ai từng chứng kiến đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô, ngày 10/10/1954, hẵn còn nhớ bức ảnh của một người dân bình thường, một nhiếp ảnh nghiệp dư, nhưng say mê nghề - anh Lê Sửu - lúc đó mới 17 tuổi, ở phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Anh đã ghi được khoảnh khắc lịch sử, khi đoàn quân đầu đầu tiên tiến vào tiếp quản thủ đô đi qua phố Hàng Đào. Bức ảnh có chú thích đơn giản “Phố Hàng Đào trong ngày tiếp quản”. Trong ảnh là một cậu bé khoảng 6, 7 tuổi (em ruột của anh Sửu), khuôn mặt bầu bĩnh, ngây thơ, tay cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào các chú bộ đội pháo binh hùng dũng.

Ngày Giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

7 thập kỷ vươn mình

Hà Nội - nơi hội tụ tinh hoa các nguồn lực của cả nước - là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, giao dịch và hội nhập quốc tế. Sau 70 năm Hà Nội giải phóng, Đảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản đồng bộ, hoàn chỉnh, đặt cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho công cuộc phát triển Thủ đô.

Triển lãm trưng bày tài liệu lưu trữ "Hà Nội và những cửa ô" giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 3 chủ đề: Cửa ô xưa, Cửa ô chiến thắng và Cửa ô Hà Nội hôm nay.

Triển lãm trưng bày tài liệu lưu trữ "Hà Nội và những cửa ô" giới thiệu khoảng 170 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 3 chủ đề: Cửa ô xưa, Cửa ô chiến thắng và Cửa ô Hà Nội hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Hà Nội: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới nhìn vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần". Lời dạy và tinh thần của Bác trong những ngày đầu tiên trở về Thủ đô năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị khi triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW. Tinh thần đặt ra là "Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước", là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị; nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội phát triển theo tinh thần Nghị quyết 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị chính là luồng sinh khí, nguồn động lực cho Hà Nội phát triển hướng tới mục tiêu trở thành Thủ đô thực sự “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Năm 2024 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng và kỷ niệm các ngày lễ lớn trên địa bàn Thủ đô, trong đó có kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Hà Nội tiếp tục triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW (ngày 5/5/2022) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đặc biệt, sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Luật Thủ đô sửa đổi, tạo tiềm năng, động lực và là tiền đề lớn để Hà Nội thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới.

Diện mạo hiện đại, văn minh của Hà Nội 70 năm sau ngày Giải phóng

Diện mạo hiện đại, văn minh của Hà Nội 70 năm sau ngày Giải phóng

70 năm trôi qua, những vết bom, đạn hằn trên từng chiến địa ở 36 phố, phường... Cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân trong những trận chiến khốc liệt năm xưa như vết thương đã lên da. Sáng Thu nay, nắng vàng thả nhẹ trong tiết trời se se lạnh, phố phường Hà Nội rợp cờ hoa, băng rôn, biểu tượng chiến thắng chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô trong niềm vui hân hoan của người dân Hà Nội và cả nước.

Nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô, mọi người đều thấy sự đổi thay nhanh chóng, phát triển toàn diện và bền vững từ thành thị đến vùng nông thôn. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 70 năm phát triển. Bên cạnh đó, những công trình giao thông hiện đại nhất của đất nước đang được khai thác, đưa vào sử dụng hiệu quả như: Cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, cầu Thanh Trì... với hệ thống chiếu sáng được đầu tư đồng bộ, đêm đêm tỏa sáng lung linh soi bóng nước sông Hồng. Những con đường vành đai 1,2,3 và đường xuyên tâm, tuyến phố được nâng cấp, mở rộng như: Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp, Đại lộ Thăng Long... không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định: "Chặng đường 70 năm kể từ ngày Giải phóng Thủ đô đã khẳng định sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Hà Nội với khát vọng xây dựng Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Khánh Linh

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/thu-do-ha-noi-70-nam-ngay-giai-phong-vuon-minh-tao-vi-the-454200.html
Zalo