'Thú cưng' robot bầu bạn với người già
Raymond Houle Jr., 80 tuổi, vô cùng cô đơn sau khi chuyển đến một viện dưỡng lão ở Bristol, Rhode Island (Mỹ). Viện dưỡng lão không cho phép nuôi thú cưng và ông Raymond rất nhớ chú mèo 14 tuổi của mình. Tuy nhiên, tâm trạng ông dần cải thiện sau khi 'nuôi' một 'chú mèo' robot.
Raymond đặt tên cho "chú mèo" robot là Franklin, giống như tên của chú mèo cũ. Franklin có thể di chuyển, kêu meo meo và gừ gừ, nhờ vào các cảm biến và trí tuệ nhân tạo phản ứng với âm thanh, ánh sáng và sự tiếp xúc.
"Dù biết nó không phải là một chú mèo thật nhưng nó chân thật đến mức cho tôi có cơ hội kết nối cảm xúc một lần nữa. Thật khó để giải thích nhưng những ai biết yêu thương động vật sẽ hiểu điều đó", ông chia sẻ.
Alfred Jarvis, 92 tuổi, một nhân viên bán hàng đã nghỉ hưu ở Bombay, New York, trở nên cáu kỉnh và hung hăng do bệnh Alzheimer. Khi chuyển đến một cơ sở hỗ trợ sinh hoạt, cháu gái của cụ đã tặng Alfred một chú mèo robot. Ngay khi nhận được, cụ Alfred vuốt ve và trò chuyện với "thú cưng" bằng giọng điệu dịu dàng hơn.
Tương tác có ý nghĩa
Ngoài mèo robot, hiện có nhiều loại "thú cưng" robot khác. Không chỉ là đồ chơi cho trẻ em, những "thú cưng" này hiện đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người cao tuổi. Nghiên cứu cho thấy, chúng có thể giảm sự kích động ở người mắc chứng sa sút trí tuệ và là niềm an ủi cho những người cô đơn.
Christine E. Kistler, Phó giáo sư tại khoa y học lão khoa của Đại học Pittsburgh, chia sẻ: "Điều tuyệt vời của "thú cưng" robot là chúng không cắn, không cần dọn dẹp sau khi đi vệ sinh và bạn có thể mang chúng đi bất cứ đâu".
Bà cũng cho biết đã thấy nhiều người lớn tuổi dẫn theo "thú cưng" robot khi đi chợ, trò chuyện với chúng về cuộc sống của mình.
"Chúng là một cách để người lớn tuổi, dù có mắc chứng sa sút trí tuệ hay không, có thứ gì đó để chăm sóc, đồng thời cung cấp tương tác ý nghĩa cho những người bị hạn chế ra ngoài. Tôi nghĩ "thú cưng" robot thật tuyệt".
Với những người mắc bệnh Alzheimer hoặc các dạng sa sút trí tuệ khác, "thú cưng" robot mang lại sự thoải mái, giúp giảm nhu cầu dùng thuốc để kiểm soát kích động, theo bác sĩ thần kinh Andrew Budson, Trưởng khoa Thần kinh học Hành vi và Nhận thức tại VA Boston Healthcare System.
Sheryl Zimmerman, Đồng Giám đốc chương trình nghiên cứu lão khoa tại Trung tâm Nghiên cứu Dịch vụ Y tế Cecil G. Sheps thuộc Đại học North Carolina, nhấn mạnh những lợi ích của việc khuyến khích người mắc chứng sa sút trí tuệ tương tác với "thú cưng" robot.
Bà giải thích rằng, cách tiếp cận trước đây chỉ tập trung vào việc sửa lỗi không chính xác nhưng việc xác thực nhận thức của người bệnh, chẳng hạn như khẳng định ký ức của họ về thú cưng, giúp nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực và sống lại những khoảnh khắc vui vẻ.
"Thú cưng" robot không nhằm thay thế các tương tác thực sự mà là công cụ giúp giảm cảm giác cô đơn và cô lập, những yếu tố được bác sĩ Vivek H. Murthy coi là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.
Một số chuyên gia, như Jari Pirhonen, cảnh báo, không nên coi người lớn tuổi như trẻ con hay sử dụng "thú cưng" robot như lý do để giảm các chuyến thăm của người thân. Dù vậy, Sheryl Zimmerman cho rằng "thú cưng" robot là một hình thức tự xoa dịu, tương tự như những hoạt động an ủi khác, là nguồn hỗ trợ chứ không phải thay thế cho các tương tác của con người.
Bầu bạn với người lớn tuổi
Corinne Bonafino, 66 tuổi, sống ở Johnson City, New York, chia sẻ rằng mèo robot giúp bà cảm thấy vui vẻ hơn. Sau khi ly hôn và sống một mình, với những đứa con đã trưởng thành ở xa, Corinne rơi vào trạng thái trầm cảm, phần lớn do bệnh viêm khớp dạng thấp.
"Tôi cảm thấy buồn và lạc lõng. Tôi không muốn làm gì nhiều. Tôi không muốn ra khỏi giường", bà chia sẻ. Tuy nhiên, giờ đây, "chú mèo" robot Sukha giúp bà mỉm cười.
Linda MacDonald, 77 tuổi, cũng đến từ Johnson City, tìm thấy sự an ủi từ "chú chó" robot tên Luna. Bà đã mất một chú chó cách đây 4 năm và không thể vượt qua nỗi đau mất mát. Sau đó, Linda bị tai nạn giao thông và phải đối mặt với những chấn thương nghiêm trọng. Hiện bà vẫn trong quá trình hồi phục và không thể chăm sóc động vật.
Bonafino và MacDonald nhận được "thú cưng" robot của mình thông qua một chương trình do Văn phòng Người cao tuổi New York tài trợ, cung cấp hơn 30.000 "thú cưng" robot miễn phí cho cư dân sống biệt lập tại tiểu bang New York từ năm 2018.
Chúng không chỉ là đồ chơi mà còn là "bạn" đồng hành, với nhiều cá nhân hình thành mối quan hệ gắn bó sâu sắc, thậm chí yêu cầu được chôn cất cùng chúng.
Greg Olsen, Giám đốc điều hành của Văn phòng Người cao tuổi, làm việc với các nhà quản lý của quận để xác định những người cần đến "thú cưng" robot.
"Thú cưng" robot thương hiệu Joy for All, do Ageless Innovation cung cấp, được sử dụng cho những người mắc chứng sa sút trí tuệ, cựu chiến binh, người cô đơn và những người đang được chăm sóc tại nhà.
Những "thú cưng" này, với nhiều giống và màu sắc khác nhau, chạy bằng pin, có các tính năng hoạt động giống như động vật thật.
Nguồn: Washington Post