Thu 6,1 tỉ đồng trong ngày đầu áp thuế VAT đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ
Tính đến 18 giờ 30 phút ngày 18/2, số thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu trị giá nhỏ đã đạt hơn 6,1 tỉ đồng.

Hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng qua chuyển phát nhanh phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 18/2.
Từ ngày 18/2/2025, Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực. Theo đó, tất cả hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng qua chuyển phát nhanh sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT).
Chính sách này góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời tạo môi trường cạnh tranh công bằng hơn giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu, khi cả hai đều phải chịu thuế giá trị gia tăng và cùng phải chịu kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm.
Ước tính số thuế thu được mỗi năm từ việc áp thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là khoảng 2.700 tỉ đồng
Theo Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), tính đến 18 giờ 30 phút ngày 18/2, số thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu trị giá nhỏ đã đạt hơn 6,1 tỉ đồng.
Tổng cục Hải quan dự báo, trung bình mỗi năm trị giá hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh được miễn thuế lên đến 27.000 tỉ đồng. Nếu áp dụng mức thuế 10%, ngân sách sẽ tăng thêm khoảng 2.700 tỉ đồng mỗi năm.
Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, áp dụng theo Luật Thuế giá trị gia tăng và các quy định sửa đổi mới. Hiện thuế giá trị gia tăng được chia thành các mức: không chịu thuế, 0%, 5% và 10%, tùy theo loại hàng hóa và chính sách khuyến khích của Nhà nước, không phân biệt hàng nhập khẩu hay sản xuất trong nước. Theo Tổng cục Hải quan, đa số hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh là hàng tiêu dùng, nên nhiều khả năng sẽ chịu thuế suất 10%.
Ngành hải quan đã triển khai thông quan điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS từ năm 2014 và tiếp tục nâng cấp hệ thống để hỗ trợ thông quan tự động. Hiện nay, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa giá trị nhỏ vẫn khai báo trên hệ thống tờ khai điện tử (tờ khai MIC).
Trước đó, chia sẻ với báo chí, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Hoàng Ninh nhận định: Quy định mới về thuế có thể khiến giá hàng hóa khi nhập khẩu từ ngoài lãnh thổ vào Việt Nam không còn sức hút vì giá quá cạnh tranh. Điều này sẽ thúc đẩy người tiêu dùng cân nhắc kỹ hơn về hàng hóa nhập khẩu khi mua sắm, từ đó tăng cường nhu cầu đối với hàng hóa nội địa, nhất là sản phẩm có chất lượng tương đương.
Đây là cơ hội để doanh nghiệp nội địa cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Từ góc độ quản lý, quy định mới sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn luồng hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam.
Việc thu thuế đồng đều sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng các chính sách miễn thuế để nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng hoặc gian lận thương mại.