Thông xe cây cầu gần 500 tỷ, xóa nút thắt cổ chai phía Tây TP.HCM

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) chính thức thông xe sau nhiều năm 'đắp chiếu' vì vướng chính sách và mặt bằng. Cây cầu sẽ cùng tuyến đường Tân Kỳ - Tân Quý kết nối giao thông với trung tâm thành phố, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày 21/1, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) tổ chức lễ thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân, TP.HCM). Đây là cây cầu quan trọng, kết nối giao thông ở QL1A vào trung tâm TP.

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý chính thức thông xe, phục vụ người dân kể từ 21/1. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý chính thức thông xe, phục vụ người dân kể từ 21/1. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Cây cầu được khởi công xây dựng từ năm 2018 nhưng phải dừng vì một số vướng mắc pháp lý và mặt bằng, đến tháng 6/2024 mới được tái khởi công.

Tại lễ thông xe, ông Trịnh Linh Phương, Phó giám đốc Ban Giao thông cho biết, cầu mới Tân Kỳ - Tân Quý có tổng mức đầu tư 491,70 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp khoảng 178 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 190 tỷ đồng và các chi phí khác.

Dự án có điểm đầu là nút giao đường Tân Kỳ - Tân Quý - quốc lộ 1A, điểm cuối tuyến là nút giao đường Tân Kỳ - Tân Quý - đường Mã Lò. Cầu được xây dựng mới bằng bê tông cốt thép thay thế cầu cũ với tổng chiều dài tuyến 385m, mặt cắt ngang 30m (6 làn xe).

Chiều dài cầu và đường đầu cầu là 238m (trong đó chiều dài cầu 82,70m), bề rộng cầu và đường đầu cầu 16m (4 làn xe), tại nhịp giữa bố trí lề bộ hành với bề rộng mỗi bên 1,5m, tại vị trí trụ bố trí các cầu thang dành cho người đi bộ.

Ngoài ra, dự án còn xây dựng đường kết nối vào quốc lộ 1A, đường Tân Kỳ - Tân Quý hiện hữu dài 147m, rộng 30m (6 làn xe); xây dựng đường gom 2 bên cầu dài 367,40m, rộng 7m; xây dựng kè đứng bê tông cốt thép dự ứng lực dọc hai bên bờ kênh Tham Lương tại vị trí cầu với chiều dài 85,95m; xây dựng hệ thống thoát nước, xây dựng hệ thống chiếu sáng, cây xanh và tổ chức giao thông phù hợp theo quy mô dự án.

Cây cầu mới có mức đầu tư 491,70 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Cây cầu mới có mức đầu tư 491,70 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ông Phương đánh giá, việc thông xe, đưa vào khai thác cầu Tân Kỳ - Tân Quý mới để kết nối với đường Tân Kỳ - Tân Quý trên địa bàn quận Bình Tân sẽ tạo thành trục giao thông kết nối từ quốc lộ 1A về trung tâm TP, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, cầu - đường Tân Kỳ - Tân Quý cũng là trục chính kết nối khu vực phía tây nam với trung tâm TP và khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Những ngày tới, khi các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) thông xe, năng lực kết nối giao thông từ Quốc lộ 1A vào sân bay sẽ được thuận lợi hơn.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, năm 2025 là năm có nhu cầu phát triển cao, phải hoàn thành nhiều đầu việc. Trong khi đó, TP đang đối mặt với việc áp lực giao thông ngày một tăng cao, đòi hỏi sự phát triển hạ tầng để qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu cắt băng khánh thành tại lễ thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Các đại biểu cắt băng khánh thành tại lễ thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ông Cường ghi nhận những nỗ lực của địa phương và chủ đầu tư trong suốt thời gian triển khai dự án. Đồng thời cho rằng, việc tập trung triển khai các công trình giao thông, trong đó có các công trình phải tháo gỡ các tồn đọng trước đây để đưa vào khai thác như cầu Tân Kỳ - Tân Quý là rất có ý nghĩa.

Ngoài cầu Tân Kỳ - Tân Quý, trong giai đoạn từ nay đến trước tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Ban Giao thông sẽ phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị liên quan hoàn thành đưa vào khai thác 6 công trình giao thông trọng điểm khác.

Các công trình gồm: đường Hoàng Hoa Thám, thông xe ngày 23/1; đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa (giai đoạn 1), thông xe ngày 23/1 (đoạn từ đường Phan Thúc Duyện đến đường Hoàng Hoa Thám và hoàn thành toàn bộ 3 vị trí trên cao, dưới đất nối kết giao thông với Nhà ga T3); đường Dương Quảng Hàm (giai đoạn 1), thông xe ngày 27/1; đường Lương Định Của (giai đoạn 1) hoàn thành ngày 26/1 (đoạn từ đường Trần Não đến Nguyễn Hoàng); toàn bộ nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, thông xe toàn bộ giao lộ ngày 27/1 và cầu Bà Hom, thông xe ngày 27/1.

Những người dân đầu tiên đi trên chiếc cầu mới.

Những người dân đầu tiên đi trên chiếc cầu mới.

Riêng dự án xây dựng cầu Tăng Long (TP Thủ Đức), do khan hiếm vật liệu xây dựng và cần có thêm thời gian để hoàn thiện một số hạng mục nên không kịp thông xe trước Tết Nguyên đán 2025 như kế hoạch trước đó. Cây cầu này sẽ được hoàn thành, thông xe sau Tết.

Ban Giao thông cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2022, dự án xây cầu Tân Kỳ Tân Quý được triển khai theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Dự án khởi công lần đầu vào đầu năm 2018, đến cuối năm cầu xong 70% khối lượng nhưng ngưng thi công do vướng giải phóng mặt bằng.

Đến tháng 9/2022, UBND TP đã có quyết định chấm dứt triển khai dự án BOT để chuyển sang đầu tư công. Tháng 6/2024, cầu Tân Kỳ - Tân Quý thi công trở lại sau 6 năm "đắp chiếu".

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thong-xe-cay-cau-gan-500-ty-xoa-nut-that-co-chai-phia-tay-tphcm-192250121104117455.htm
Zalo