Thông xe cầu Bến Rừng hơn 1.940 tỷ đồng nối Hải Phòng - Quảng Ninh
Chiều 17/7, UBND Thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ thông xe cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) qua sông Đá Bạch.
Đây là công trình hành lang đường bộ thứ ba nối liền 2 địa phương, nắm giữ vai trò là 2 đỉnh của tam giác kinh tế phía Bắc, mang ý nghĩa hiện thực hóa chương trình hợp tác, kết nối liên vùng cùng thúc đẩy phát triển.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông Hải Phòng cho biết, sau hơn 2 năm thi công (khởi công ngày 13/5/2022), công trình đã hoàn thành kịp tiến độ trong điều kiện gặp nhiều khó khăn (vị trí tuyến nằm trên nền đất yếu, thời tiết cực đoan, mưa nhiều, nguồn nguyên vật liệu khan hiếm...).
Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 1.940,931 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (1.249,471 tỷ đồng), ngân sách thành phố Hải Phòng và ngân sách tỉnh Quảng Ninh là 691.460 triệu đồng. Ngoài ra, Quảng Ninh đầu tư dự án tuyến đường kết nối từ đầu cầu Bến Rừng nút giao tỉnh lộ 338 đoạn qua xã Sông Khoai (thị xã Quảng Yên) có chiều dài 2,2 km.
Cầu Bến Rừng là cầu có kết cấu vĩnh cửu vượt sông Đá Bạch, với chiều dài cầu 1.865 m, mặt cầu rộng 21,5 m. Cầu chính gồm 4 nhịp Extradosed với sơ đồ (90+2x160+90) m. Phần cầu dẫn gồm 34 nhịp dầm superT. Mố, trụ cầu bằng bê tông cốt thép, móng sử dụng cọc khoan nhồi. Tải trọng thiết kế HL93; kích thước thông thuyền BxH=2x(85x11) m. Xây dựng đường dẫn hai đầu cầu với chiều dài 410 m; mặt cắt ngang nền đường rộng 22,5 m gồm: 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp, dải an toàn, dải phân cách, lề đường không gia cố.
Phát biểu tại lễ thông xe, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định: “Cầu Bến Rừng đưa vào sử dụng là kết quả quan trọng thực hiện Biên bản hợp tác giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng; nâng cao năng lực giao thông và sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả hai địa phương”.
Ngoài ra, cầu Bến Rừng cũng là thành quả cụ thể hóa Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng và Ban Thường vụ các Tỉnh ủy: Quảng Ninh, Hải Dương về Thống nhất hợp tác đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng.
Cầu Bến Rừng được khai thác, sử dụng sẽ góp phần tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện của nhân dân huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh). Người dân thị xã Quảng Yên và huyện Thủy Nguyên sẽ không phải chờ phà Rừng mất từ 30 - 60 phút hoặc phải đi vòng 40 km sang Quốc lộ 18 rồi ra Quốc lộ 10 như trước đây.
Đồng thời, cầu Bến Rừng đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy khai thác các giá trị văn hóa - lịch sử, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có sức cạnh tranh và thương hiệu riêng của 2 địa phương vùng Đông bắc bộ.
Cầu Bến Rừng là hành lang giao thông đường bộ thứ 3 kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh (trước đó là Quốc lộ 10, cầu Bạch Đằng), công trình sẽ góp phần nâng cao năng lực phục vụ giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và người dân 2 địa phương. Đây sẽ là “gạch nối” quan trọng, hình thành hệ thống giao thông liên hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, du lịch, bảo đảm quốc phòng, an ninh của TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh cũng như của cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Sở hữu nhiều điểm tương đồng cùng những tiềm năng, lợi thế, đồng thời, nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương trong mục tiêu xây dựng và phát triển tổng thể kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, từ năm 2009, TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chương trình hợp tác, đồng hành, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc đổi mới, phát triển.
Đến nay, 2 địa phương đã có nhiều thành tựu chung cả trong phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và hợp tác du lịch, khi cùng tham gia trục cao tốc phía Đông với mục tiêu kiến tạo một không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế có quy mô lớn, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng.
Bên cạnh đó, cây cầu còn mang ý nghĩa từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trục giao thông này cùng hệ thống đường thủy nội địa, đường biển sẽ tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội của 2 khu kinh tế ven biển năng động vào bậc nhất miền Bắc hiện nay là Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải của Hải Phòng và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên của tỉnh Quảng Ninh.
Theo kế hoạch, cuối năm 2024, TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh sẽ có thêm hành lang giao thông thứ 4 khi cầu Lại Xuân nối huyện Thủy Nguyên với thị xã Đông Triều có tổng vốn đầu tư hơn 1.334 tỷ đồng được đưa vào khai thác. Được biết, đến nay, sau khoảng 18 tháng thi công, liên danh nhà thầu thi công đã hoàn thành 104/130 cọc khoan nhồi và đang tổ chức lực lượng thi công 11/16 vị trí mố trụ cầu.
Theo chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hải Phòng, hiện nay UBND thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đang hoàn thiện thủ tục, lên phương án bồi thường cho các hộ dân để bàn giao cho đơn vị thi công 2 trụ và đường dẫn tại địa phận xã Yên Đức (Quảng Yên, Quảng Ninh).
Sự hợp tác liên thông, tổng thể giữa 2 địa phương với sự thống nhất, đồng tình ủng hộ cao từ Trung ương đến nhân dân đã nhanh chóng đem lại nhiều kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội khi cả hai luôn là những địa phương dẫn đầu về tăng trưởng, thu hút đầu tư, cải cách hành chính của cả vùng.
Từ đó, nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh và tạo ra thương hiệu trong vùng và liên vùng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông TP. Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, mở rộng không gian phát triển mới, kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình hiện đại, giàu bản sắc, thiết thực phục vụ cho phát triển du lịch 2 địa phương; đảm bảo quốc phòng - an ninh; thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa 2 địa phương.