Thông tư 29: Công bằng cho cả giáo viên và học sinh
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có nhiều điều chỉnh nhằm minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, học thêm đảm bảo quyền lợi của học sinh và giáo viên.
Dạy thêm - đưa vào quỹ đạo hợp pháp và minh bạch
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) về quản lý dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thông tư này thay thế Thông tư 17/2012 với nhiều điều chỉnh nhằm minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, đảm bảo quyền lợi của học sinh và giáo viên, đồng thời kiểm soát tình trạng lạm dụng dạy thêm trong hệ thống giáo dục công lập. Việc ban hành quy định này được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập tồn tại lâu nay, hướng đến một môi trường giáo dục công bằng, minh bạch và đảm bảo quyền lợi của học sinh.
![Từ ngày 14/2/2025, việc dạy thêm, học thêm có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51438040/752d7a24416aa834f17b.jpg)
Từ ngày 14/2/2025, việc dạy thêm, học thêm có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa
Dạy thêm, học thêm là một nhu cầu không chỉ xuất phát từ mong muốn nâng cao kiến thức của học sinh mà còn xuất phát từ nguyện vọng hỗ trợ của giáo viên. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy không ít trường hợp học sinh dù không thực sự có nhu cầu nhưng vẫn buộc phải tham gia các lớp học thêm, đặc biệt là các lớp do chính giáo viên dạy trên lớp hoặc nhà trường tổ chức. Nhiều em phải học thêm chỉ vì lo ngại bị đánh giá thấp, sợ lạc lõng so với bạn bè hoặc không muốn làm thầy cô phật lòng. Điều này không chỉ tạo ra áp lực học tập nặng nề mà còn làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, sáng tạo của học sinh.
Quan điểm xuyên suốt của Thông tư 29 là thay đổi tư duy từ “không quản được thì cấm” sang “quản lý để đảm bảo chất lượng”. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh có thể tiếp thu đầy đủ kiến thức ngay trong giờ học chính khóa, thay vì phải tham gia thêm các lớp học bên ngoài. Đồng thời, nhà trường cần tạo điều kiện cho học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, thể thao, nghệ thuật để đảm bảo sự phát triển toàn diện.
Một trong những điểm mới quan trọng của Thông tư 29 là quy định rõ ba nhóm đối tượng có thể được tổ chức dạy thêm trong trường nhưng không được thu phí. Các nhóm này bao gồm học sinh có kết quả học tập chưa đạt yêu cầu, học sinh được bồi dưỡng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và học sinh ôn thi tốt nghiệp hoặc tuyển sinh. Việc miễn thu phí đối với các lớp dạy thêm này không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi của học sinh mà còn thể hiện trách nhiệm của nhà trường trong việc hỗ trợ học sinh củng cố kiến thức.
Về vấn đề học phí dạy thêm trong nhà trường, Thông tư 29 quy định nguồn kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn kinh phí hợp pháp khác, thay vì thu trực tiếp từ phụ huynh như trước đây. Quy định này nhằm loại bỏ tình trạng giáo viên mở lớp dạy thêm trong trường công lập vì mục đích tài chính, đồng thời giúp lấy lại hình ảnh trong sáng của người thầy.
Bên cạnh các lớp dạy miễn phí trong trường học, việc dạy thêm có thu phí bên ngoài cũng được Thông tư 29 điều chỉnh theo hướng chuyên nghiệp hóa, minh bạch hóa. Dạy thêm thu tiền là một nhu cầu có thật, không chỉ giúp học sinh tiếp cận thêm kiến thức mà còn tạo thêm thu nhập chính đáng cho giáo viên. Cũng giống như các bác sĩ được phép mở phòng khám tư, giáo viên có giấy phép hành nghề hoàn toàn có quyền mở lớp dạy thêm bên ngoài để tăng thu nhập.
Tuy nhiên, mọi hoạt động kinh doanh đều phải tuân theo quy định pháp luật, bao gồm việc đăng ký giấy phép và kê khai thu nhập để thực hiện nghĩa vụ thuế. Điều này đảm bảo sự bình đẳng giữa giáo viên với các ngành nghề khác, đồng thời giúp minh bạch hóa hoạt động dạy thêm, tránh những hệ lụy pháp lý về lâu dài.
Theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 29, đối với học sinh tiểu học thì không được dạy thêm văn hóa, bậc THCS thì không cấm dạy thêm nhưng phải thực hiện đăng ký kinh doanh và được ngành chức năng kiểm tra, cấp phép đủ điều kiện. Giáo viên cần công khai danh sách môn học, thời lượng, địa điểm, hình thức tổ chức và mức học phí trước khi tuyển sinh. Giáo viên đang giảng dạy tại các trường công lập nếu tham gia dạy thêm bên ngoài cũng phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc người đứng đầu đơn vị công tác.
Nỗi lo học phí và quản lý con
Một trong những mối lo lớn nhất của phụ huynh là chi phí học thêm có thể tăng lên do quy định chặt chẽ hơn đối với các trung tâm và lớp học ngoài nhà trường. Trước đây, nhiều học sinh được học thêm ngay tại trường với mức phí hợp lý. Tuy nhiên, khi các lớp học thêm phải đăng ký kinh doanh và tuân thủ quy trình quản lý nghiêm ngặt, các trung tâm có thể tăng học phí để bù đắp chi phí vận hành.
![Nhiều phụ huynh lo lắng việc học thêm tại các trung tâm sẽ "đội" chi phí. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_35_51438040/b7b0b4b98ff766a93fe6.jpg)
Nhiều phụ huynh lo lắng việc học thêm tại các trung tâm sẽ "đội" chi phí. Ảnh minh họa
Anh Trần Thanh Tùng, phụ huynh học sinh lớp 5 tại quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh), cho biết: Trước đây, con tôi học thêm với giáo viên trong trường với mức phí hợp lý. Theo quy định mới dạy thêm bên ngoài chắc chắn sẽ có chi phí cao hơn. Nếu không có chính sách kiểm soát mức học phí, gia đình thu nhập thấp sẽ khó có điều kiện cho con theo học.”
Thông tư 29 quy định giáo viên không được dạy thêm cho học sinh mình trực tiếp giảng dạy. Điều này đồng nghĩa với việc nếu phụ huynh muốn con học thêm với chính giáo viên đã dạy trên lớp - người đã hiểu rõ năng lực của con mình thì sẽ không thể thực hiện được.
Chị Nguyễn Thanh Hà, (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) lo ngại: “Con tôi đang học với một cô giáo rất giỏi là giáo viên giỏi của quận, nhưng theo quy định mới, cô ấy không thể mở lớp dạy thêm cho học sinh của mình. Giờ chỉ còn vài tháng nữa là thi lớp 10, tôi biết tìm giáo viên ở đâu cho con, chưa kể tìm được nhưng không biết cháu học có hợp không nữa.”
Đối với các phụ huynh có con học tiểu học, trước đây có thể nhờ giáo viên dạy thêm ngay tại trường, sau đó đón con vào cuối buổi. Tuy nhiên, với quy định mới, các lớp học thêm không còn được tổ chức trong trường, khiến nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian đón con.
Anh Trần Quốc Bảo (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) có bé đang học lớp 2 chia sẻ: “Hai vợ chồng tôi đều làm văn phòng và tan ca lúc 5 giờ, nên phải đến khoảng 5h30 mới đón được con. Trong khi đó, con tôi tan học từ 4 giờ. Trước đây, con có thể học thêm ngay tại trường, nên tôi chỉ cần đón con về nhà sau giờ làm. Nhưng bây giờ, nếu con phải học ở trung tâm bên ngoài, tôi sẽ phải sắp xếp người đưa đón hoặc tốn thêm chi phí gửi con tạm thời. Điều này gây nhiều bất tiện cho gia đình tôi.”
Ngoài vấn đề đưa đón, việc quản lý con sau giờ học cũng là bài toán nan giải. Nếu không có người giám sát, trẻ có thể dành nhiều thời gian cho điện thoại, mạng xã hội hoặc chơi game thay vì học tập.
Chị Nguyễn Thu Trang (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ lo lắng: “Nếu con không có lớp học thêm tại trường, tôi sợ con sẽ lơ là học tập, thay vào đó chỉ xem điện thoại hay chơi game. Tôi không thể giám sát con cả ngày vì vẫn phải đi làm.”
Giáo viên loay hoay tìm cách tiếp tục dạy thêm
Trong khi phụ huynh đau đầu với chi phí và quản lý con, nhiều giáo viên cũng chật vật thích nghi với quy định mới. Khi Thông tư 29 sắp có hiệu lực, không ít thầy cô tại TP. Hồ Chí Minh đang tìm cách đăng ký kinh doanh tại nhà hoặc dạy học tại các trung tâm dạy thêm.
Cô Huyền Trang, giáo viên tại một trường tiểu học tại TP. Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh bộc bạch: “Tôi và nhiều đồng nghiệp trong trường đang tạm dừng các lớp dạy thêm để chờ hướng dẫn các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, đáng lo ngại là nếu quá trình làm thủ tục mất nhiều thời gian sẽ ảnh hưởng đến chương trình ôn thi của các con, nhất là các lớp ôn thi chuyển cấp và ôn thi đại học".
Ngoài các thủ tục pháp lý, cô còn băn khoăn về việc đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng, phòng cháy chữa cháy và cơ sở vật chất. Cô cho rằng, đối với điều kiện này thì rất nhiều lớp dạy thêm không đáp ứng được bởi chi phí bỏ ra "chi tiền chẵn, thu tiền lẻ".
Trong khi đó, một số giáo viên đã chủ động tìm cách thích ứng. Cô Ngọc Sang, 35 tuổi, giáo viên tiếng Anh tự do tại quận 3, đã tự đăng ký hộ kinh doanh cá thể tại nhà thông qua cổng dịch vụ công. Theo cô, thủ tục khá đơn giản, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ kinh doanh, vốn đầu tư, ngành nghề và nộp thuế.
Ngoài việc tự đăng ký kinh doanh, một số giáo viên khác đã chọn “đầu quân” cho các trung tâm dạy thêm để tiếp tục công việc của mình. Tuy nhiên, không phải trung tâm nào cũng có nhu cầu tuyển dụng hoặc sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về thu nhập, thời gian giảng dạy mà giáo viên mong muốn.
Việc ban hành Thông tư 29 được kỳ vọng sẽ giúp dạy thêm trở thành một hoạt động hợp pháp, có kiểm soát thay vì tồn tại dưới dạng tự phát, thiếu minh bạch như trước đây. Khi dạy thêm không còn là “vùng xám”, giáo viên sẽ có cơ hội nâng cao thu nhập chính đáng, học sinh và phụ huynh cũng có thêm sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu thực tế.
Dù vậy, để Thông tư thực sự đi vào cuộc sống, ngành giáo dục cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, đặc biệt là kiểm soát việc ép buộc học thêm trong trường công lập. Khi mọi hoạt động dạy thêm đều minh bạch, công khai, giáo dục sẽ phát triển theo hướng công bằng và bền vững hơn.