Thông toàn tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai, đường sắt chở 700 tấn hàng cứu trợ
Sau nỗ lực khắc phục 45 điểm sạt lở nền đường do mưa lũ gây ra, ngày 15/9 tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã được khai thông, gần 700 tấn hàng cứu trợ đang được các đoàn tàu chở tới vùng lũ.
Cuối giờ sáng 15/9, sau khi hoàn tất dọn lớp bùn, cát dày 60cm phủ lấp hơn 1km đường sắt tại xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, Yên Bái, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định thông đường toàn tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai.
Do mới khắc phục bước đầu nên tại những điểm đường sắt bị sạt lở, trôi nền đường, tốc độ chạy tàu là 5km/h.
Trước đó, đợt mưa lũ do bão số 3 gây ra đã khiến tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai có 15 vị trí bị cây đổ, 20 điểm ngập sâu. Nước lũ rút để lại hơn 45 điểm sạt lở, xói trôi nền đường sắt.
Để đảm bảo an toàn, ngày 7/9, ngành đường sắt đã dừng chạy tàu khách tuyến Hà Nội - Lào Cai.
Từ ngày 9/9, mưa lớn làm lũ dâng ngập, sạt lở nhiều đoạn đường sắt qua Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải dừng chạy cả tàu hàng trên tuyến.
Đến sáng 15/9, tuyến Nội Bài - Lào Cai vẫn đang phong tỏa từ ga Đoan Thượng (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) đến ga Lào Cai (TP Lào Cai).
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết mục đích thông đường sớm nhất là để chở hàng cứu trợ miễn phí lên hỗ trợ đồng bào vùng lũ.
Đến ngày 15/9, đã có gần 700 tấn hàng cứu trợ được bốc xếp lên các đoàn từ ga Sóng Thần và các ga dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam hướng về vùng lũ Yên Bái, Lào Cai…
"Với các đoàn tàu hàng ở khu vực miền Bắc chạy ngay sau khi thông đường, chúng tôi đã kết hợp chở hàng cứu trợ của các tổ chức đưa đến các ga dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai" - ông Mạnh cho biết.
Ngày 15/9, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vẫn tiếp tục bãi bỏ đôi tàu khách SP3, SP4 tuyến Hà Nội - Lào Cai.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, mưa lũ làm 1 nhân viên đường sắt bị thương khi đang kiểm tra thiết bị tại ga Lâm Giang (Yên Bái).
Về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư, mưa lũ làm thiệt hại khoảng 130 tỷ đồng khi gây ra trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá; hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt, đường dây thông tin, tín hiệu trên các tuyến.
Các doanh nghiệp đường sắt thiệt hại khoảng 48 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư khoảng 20 tỷ đồng (17 đầu máy, nhiều phương tiện thiết bị ngập nước, nhiều khu nhà cung cầu, cung đường, lưu trú, trụ sở làm việc bị tốc mái, đổ tường rào); thiệt hại doanh thu vận tải đường sắt khoảng 28 tỷ đồng khi bãi bỏ trên 22 chuyến tàu hàng, trên 54 chuyến tàu khách.