Thông tin về 2 nhà máy trong vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả

Các cán bộ của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có sai phạm trong thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 giấy chứng nhận GMP cho nhà máy MediPhar và nhà máy Mediusa.

Liên quan đến vụ án triệt phá đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mediusa) cầm đầu, ngày 13-5, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 Bộ Công an) cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 5 cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) về hành vi nhận hối lộ.

5 người này là: Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Đinh Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Nguyễn Thị Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Lê Thị Hiên, Chuyên viên 2, Trung tâm Ứng dụng và đào tạo an toàn thực phẩm; Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc, về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Trong đó, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Minh Hải; bắt bị can để tạm giam đối với 4 bị can còn lại.

Theo C03 Bộ Công an, trong các hành vi vi phạm, các cán bộ của Cục An toàn thực phẩm đã có sai phạm trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) cho nhà máy MediPhar của Công ty cổ phần dược liên doanh MediPhar và nhà máy Mediusa của Công ty cổ phần dược phẩm Mediusa.

 Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Ảnh: VGP

Ông Nguyễn Thanh Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Ảnh: VGP

Theo danh sách các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu GMP của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Công ty cổ phần dược phẩm Mediusa có địa chỉ tại Lô CN A5, khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, giấy chứng nhận được cấp ngày 13-8-2020 và có thời hạn đến ngày 13-8-2023.

Dây chuyền sản xuất của nhà máy của công ty này được sản xuất các dạng viên (nén, bao phim, bao đường), viên nang cứng, cốm, bột, viên nang mềm, xi rô, dung dịch; chế phẩm chứa vi sinh: cốm, viên nang cứng, dung dịch, hỗn dịch.

Còn Công ty cổ phần dược liên doanh MediPhar có địa chỉ tại khu công nghiệp Phú Nghĩa, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, giấy chứng nhận được cấp ngày 22-12-2020 và có thời hạn đến ngày 22-12-2023.

Dây chuyền sản xuất của nhà máy công ty này được sản xuất viên nang mềm, dạng lỏng và chế phẩm chứa men vi sinh dạng lỏng.

Theo quy định tại Điều 7 và Điều 29 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018, điều kiện để sản xuất thực phẩm chức năng là nhà máy sản xuất phải được cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thẩm định, cấp giấy chứng nhận GMP với thời hạn 3 năm.

Điều kiện để tiêu thụ thực phẩm chức năng trên thị trường là sản phẩm phải được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép công bố sản phẩm.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra Bộ Công an, từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh cùng Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar), Khúc Minh Vũ (Giám đốc Công ty Việt Đức) đã tổ chức, điều hành 9 công ty, nhà máy MediPhar và nhà máy Mediusa sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, chủng loại đa dạng.

Để sản xuất và tiêu thụ thực phẩm chức năng giả trên thị trường, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng thống nhất chi tiền “lobby” cho Cục An toàn thực phẩm trong việc thẩm định, hậu kiểm và cấp phép công bố sản phẩm.

Để các nhà máy Mediusa và MediPhar sớm được thẩm định, hậu kiểm, cấp giấy chứng nhận GMP và đi vào sản xuất, Nguyễn Năng Mạnh và Đỗ Mạnh Hoàng đã chi tiền cho đoàn kiểm tra thẩm định do Cục An toàn thực phẩm chủ trì để được ghi giảm số lỗi khi thẩm định, hướng dẫn cách khắc phục, cho thời gian để khắc phục lỗi.

Trước đó, cuối tháng 4-2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với 5 người là giám đốc, thủ quỹ của các công ty sản xuất, mua bán thực phẩm chức năng giả.

5 người này là:

1. Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mediusa).

2. Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar).

3. Khúc Minh Vũ (Giám đốc Công ty Việt Đức).

4. Phạm Thị Hường (Kế toán phụ trách 4 Công ty MediPhar, MediUSA, MegaLife, Hùng Phương).

5. Lê Thị Toan (Thủ quỹ 6 Công ty MediPhar, MediUSA, MegaLife, Hùng Phương, MegaPhaco, Việt Đức).

Kết quả khám xét tại các kho hàng và một số cơ sở kinh doanh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu giữ số lượng thực phẩm chức năng đặc biệt lớn, đa dạng về chủng loại, được phân phối rộng rãi trên cả nước với tổng số thực phẩm chức năng thu giữ khoảng 100 tấn.

Ông Nguyễn Thanh Phong sinh năm 1963, quê Vĩnh Phúc. Ông là dược sĩ, có học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ.

Năm 2015, ông Phong được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Ông giữ vị trí này đến tháng 9-2024, sau đó nghỉ hưu theo chế độ.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thong-tin-ve-2-nha-may-trong-vu-san-xuat-buon-ban-thuc-pham-chuc-nang-gia-post849591.html
Zalo