Thông tin sau bài báo 'Xã Cao Dương: Người dân cầu cứu vì khói bụi, ô nhiễm môi trường bao quanh': Kiến nghị, bức xúc của người dân về ô nhiễm môi trường là có cơ sở

Ngày 1/8/2024, Báo Hòa Bình đăng bài viết

Ngày 1/8/2024, Báo Hòa Bình đăng bài viết "Xã Cao Dương: người dân cầu cứu vì khói bụi, ỗ nhiễm môi trường (ÔNMT)”. Sau khi bài báo được đăng tải, Báo Hòa Bình đã nhận được một số thông tin phản hồi. Trong đó có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát các nội dung người dân thôn Đồng Om, xã Cao Dương (Lương Sơn) kiến nghị tại buổi tiếp công dân ngày 15/7/2024 mà đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao tổ công tác liên ngành của tỉnh và các đơn vị chức năng thực hiện. Theo đó, tại báo cáo ngày 31/7/2024, tổ công tác liên ngành đã ghi nhận "kiến nghị, bức xúc của người dân về vấn đề ÔNMT là có cơ sở”...

Ngày 29/7/2024, tổ công tác liên ngành của tỉnh kiểm tra thực tế tại các mỏ khai thác đá và công trình xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Long tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương (Lương Sơn) đã ghi nhận những kiến nghị, bức xúc của người dân là có cơ sở.

Ngày 29/7/2024, tổ công tác liên ngành của tỉnh kiểm tra thực tế tại các mỏ khai thác đá và công trình xây dựng Nhà máy xi măng Hoàng Long tại thôn Đồng Om, xã Cao Dương (Lương Sơn) đã ghi nhận những kiến nghị, bức xúc của người dân là có cơ sở.

Các dự án đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Thôn Đồng Om có 35 hộ, người dân dùng chung tuyến đường khoảng 800 m từ trung tâm khu vực ra đường Hồ Chí Minh cùng các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Các hộ dân cơ bản nằm trong bán kính ảnh hưởng 1.000 m của Nhà máy xi măng Hoàng Long đều thuộc diện phải di dời trước khi nhà máy đi vào hoạt động.

Trên địa bàn thôn Đồng Om hiện có 13 dự án do các doanh nghiệp và người dân đầu tư. Trong đó, 7 dự án khai thác khoáng sản (KTKS) làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường; hiện còn 6 công ty đang hoạt động: TNHH MTV Đầu tư phát triển Phú Đỉnh, CP Cao Dương Phát Đạt, CP Đầu tư Hoàng Đạt, CP KTKS Lương Sơn, TNHH Công nghiệp dầu nhớt Valine, TNHH MTV Thạch Kim Hòa Bình. Ngoài ra có 1 dự án tái chế dầu DO, 2 dự án sản xuất gạch không nung, 1 trạm trộn bê tông, 1 nhà máy sản xuất xi măng đang thi công xây dựng, 1 trại lợn do người dân tự đầu tư. Các dự án này đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các hộ dân trong khu vực.

Đáng nói, các dự án KTKS, sản xuất VLXD, thi công xây dựng trên địa bàn thôn Đồng Om đều có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (BVMT), giấy phép môi trường; bản kế hoạch BVMT và giấy xác nhận đăng ký kế hoạch BVMT do các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện cấp. Riêng đối với trại lợn do người dân tự đầu tư nên chưa có các văn bản đánh giá, thực hiện các quy định về BVMT.

Theo tổ công tác, thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực chấp hành quy định về BVMT như: phân công dọn vệ sinh, tưới nước chống bụi, duy tu, cải tạo đường giao thông trong khu vực. Tuy nhiên, trong khu vực thôn Đồng Om tập trung nhiều cơ sở sản xuất, mỏ khai thác đá làm VLXD; quá trình hoạt động còn hiện tượng nổ mìn gây rung chấn, phun sương dập bụi chưa thường xuyên, hiệu quả. Có đơn vị chưa tích cực thực hiện phun tưới ẩm đường giao thông trong kỳ được phân công đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do vậy, kiến nghị, bức xúc của người dân là có cơ sở.

...nhưng vẫn để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến đảm bảo môi trường theo kiến nghị của người dân. Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quách Tất Liêm về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về KTKS của các doanh nghiệp tại khu vực Đồng Om, xã Cao Dương, Sở TN&MT đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cùng UBND xã. Đoàn công tác đã kiểm tra hồ sơ pháp lý 6 doanh nghiệp hoạt động tại khu vực Đồng Om về thiết kế, môi trường, sử dụng đất, vật liệu nổ, an toàn lao động, nghĩa vụ tài chính trong hoạt động KTKS.

Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng đã ghi nhận và phát hiện các doanh nghiệp này còn tồn tại nhiều sai phạm. Kiểm tra thực tế khu vực khai thác, chế biến khoáng sản; đo đạc, xác định khoảng cách an toàn trong nổ mìn từ điểm khai thác đến nhà ở của các hộ dân trong phạm vi KTKS của 6 công ty nói trên cho thấy có 6 hộ nằm trong khoảng cách nổ mìn từ 230 - 300 m. Trong đó, Công ty CP Đầu tư Hoàng Đạt có 1 hộ, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Phú Đỉnh có 2 hộ, Công ty TNHH MTV Thạch Kim Hòa Bình có 3 hộ. Thực tế kiểm tra tuyến đường từ các mỏ đá ra đường Hồ Chí Minh, tổ công tác cũng đã ghi nhận tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp do quá trình xe vận chuyển đá lưu lượng lớn và hoạt động khai thác, chế biến của các mỏ đá trong khu vực phát sinh nhiều bụi, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trước những vi phạm, tồn tại trên, Sở TN&MT đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục; thường xuyên sửa chữa, nâng cấp tuyến đường từ mỏ ra đường Hồ Chí Minh; KTKS phải đảm bảo khoảng cách an toàn để không ảnh hưởng đến người dân và tài sản theo quy định. Đồng thời, giao Thanh tra Sở TN&MT lập biên bản, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, đến nay, những vi phạm, tồn tại trên vẫn chưa được khắc phục, còn để kéo dài gây bức xúc cho người dân. Trước vấn đề này, rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh, UBND huyện Lương Sơn tiếp tục và quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn cuộc sống người dân cũng như giải quyết triệt để nguy cơ phát sinh khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

Mạnh Hùng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/191909/thong-tin-sau-bai-bao-xa-cao-duong-nguoi-dan-cau-cuu-vi-khoi-bui,-o-nhiem-moi-truong-bao-quanh-kien-nghi,-buc-xuc-cua-nguoi-dan-ve-o-nhiem-moi-truong-la-co-co-so.htm
Zalo