Thông qua Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Ngày 6/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Dự phiên họp có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, rà soát kỹ lưỡng đảm bảo các quy định của Nghị quyết không trùng lặp, chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành về giải quyết và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đã được điều chỉnh tại các văn bản quy phạm pháp luật khác và cơ quan.

Theo đó, đã lược bỏ 7 điều tại dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và lược bỏ 4 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Sau khi tích hợp, dự thảo Nghị quyết liên tịch gồm 7 chương, 58 điều, trong đó có 31 điều chung đối với việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, 27 điều quy định riêng đối với việc tiếp xúc cử tri của từng chủ thể.

Về hoạt động, hình thức, nội dung tiếp xúc cử tri, gồm 19 điều (từ Điều 18 đến Điều 36 dự thảo Nghị quyết mới), bà Hải cho biết tích hợp hai dự thảo Nghị quyết có các nội dung trùng nhau về hoạt động, hình thức, phương thức, nội dung tiếp xúc cử tri (Điều 18, 19, 20); Hội nghị tiếp xúc cử tri (Điều 21); đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cùng tiếp xúc cử tri (Điều 22); Thành phần tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri (Điều 23); Chương trình Hội nghị tiếp xúc cử tri (Điều 24); Tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc (Điều 27, Điều 28); Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực (Điều 29); Tiếp xúc cử tri với cá nhân hoặc nhóm cử tri (Điều 33); Tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội, kỳ họp chuyên đề hoặc giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất của Hội đồng nhân dân (Điều 34); Tiếp xúc cử tri trực tuyến, tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến (Điều 35); Tiếp xúc cử tri trong tình hình thiên tai, dịch bệnh hoặc sự kiện bất khả kháng (Điều 36).

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết, dự thảo Nghị quyết liên tịch đã được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến góp ý của Ban thường trực đều được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đầy đủ.

Liên quan đến việc cơ quan chủ trì việc tiếp xúc cử tri là cấp huyện hay cấp xã, theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy, Ban thường trực MTTQ Việt Nam cấp huyện hay cấp xã chủ trì có 3 nội dung. Theo đó, qua tổ chức Đại hội MTTQ các cấp, rà soát đánh giá lại năng lực bộ máy cán bộ Mặt trận các cấp thì qua rà soát lại thấy đội ngũ cán bộ MTTQ cấp xã tại nhiều địa phương còn hết sức khó khăn. Bây giờ giao cho cấp xã chủ trì, tổ chức sẽ liên quan đến trình độ, cơ sở điều kiện, phương tiện vật chất thì sẽ rất khó.

“Thực tiễn vừa qua, tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đều do Ban thường trực MTTQ cấp huyện chủ trì, và phối hợp với cấp xã. Quá trình tổng kết thấy rằng việc tổ chức thực hiện rất là tốt, có hiệu quả. Do đó, trong dự thảo Nghị quyết không nên cứng quá, không nên giao cứng cho cấp xã. Có thể giao cho Ban thường trực MTTQ cấp huyện chủ trì, phối hợp bới Ban thường trực MTTQ cấp xã. Theo đó có thể tự chủ trì, hoặc ủy quyền chứ không nên cứng nhắc giao cho Ban thường trực MTTQ cấp xã”-Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy nêu rõ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ thể chủ trì việc tổ chức tiếp xúc cử tri đối với Mặt trận cấp xã nên giao cho Ban thường trực MTTQ cấp huyện tổ chức, hoặc ủy quyền để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.

Qua biểu quyết, 100% các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay sau khi được thông qua (ngày 6/1/2025).

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thong-qua-nghi-quyet-lien-tich-ve-tiep-xuc-cu-tri-cua-dai-bieu-quoc-hoi-va-dai-bieu-hoi-dong-nhan-dan-10297793.html
Zalo