Thông qua Luật Thủ đô: Ưu tiên thực hiện quy hoạch sông Hồng, sông Đuống

Sáng ngày 28/6, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 462/470 đại biểu tán thành. Luật Thủ đô (sửa đổi) tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống.

Theo Luật Thủ đô (sửa đổi), quy hoạch Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững. Bảo đảm môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố.

Từ đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước.

Quốc hội bấm nút thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) hướng tới phát triển đô thị hài hòa bên sông.

Luật Thủ đô (sửa đổi) tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô. Theo đó, cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan.

Bên cạnh đó, các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để đảm bảo yêu cầu không làm cản trở dòng chảy.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại thành phố Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của UBND phường trong việc quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do HĐND cấp xã quyết định hoặc phải được HĐND cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đồng thời, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, dự thảo đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý các quy định về quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và yêu cầu về phòng, chống lũ.

Về chính sách đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý các quy định liên quan đến hình thức giao đất, cho thuê đất, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Điều này vừa phù hợp với thực tiễn, vừa kết nối với các quy định của Luật Đất đai năm 2024, tránh gây xáo trộn quá lớn trong lĩnh vực này ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Hoài Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/thong-qua-luat-thu-do-uu-tien-thuc-hien-quy-hoach-song-hong-song-duong/20240628095605498
Zalo