Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
Với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành quy định về nội dung này nhằm phân định thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Một số ý kiến tuy tán thành nhưng đề nghị chuyển sang quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, việc quy định nội dung này trong Luật Tổ chức Quốc hội xuất phát từ yêu cầu Luật Tổ chức Quốc hội phải phân định rõ ràng, rành mạch phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan theo đúng quy định của Hiến pháp. Đây là đạo luật quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội nên cần bổ sung và làm rõ hơn thẩm quyền của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ “làm luật và sửa đổi luật” quy định tại khoản 1 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013; thống nhất với cách thức quy định hiện nay tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cũng được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Hơn nữa, việc sửa đổi, bổ sung quy định này nhằm cụ thể hóa yêu cầu về đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật, xác định rõ phạm vi những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội và quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật, làm cơ sở cho việc thực hiện thẩm quyền làm luật và sửa đổi luật của Quốc hội. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này trong dự thảo Luật và chỉnh lý phù hợp với Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị và thống nhất với dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Về Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội theo hướng Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc/Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các phó Chủ tịch/phó Chủ nhiệm, các ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Cùng với đó, tiếp thu, chỉnh lý quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội. Đối với các ý kiến góp ý về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, UBTVQH sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và sẽ thông qua ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội.
Về việc thành lập các Tiểu ban của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban, UBTVQH nhận thấy việc thành lập các Tiểu ban để hoạt động thường xuyên hoặc theo từng công việc, dự án cụ thể là một trong những phương thức hoạt động của Hội đồng, Ủy ban, không phải là cơ cấu tổ chức cứng của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Căn cứ vào Kết luận số 111/KL-TW của Bộ Chính trị, dự thảo Luật đã thể chế hóa các thành tổ hợp thành cơ cấu tổ chức của Hội đồng, Ủy ban; còn việc thành lập Tiểu ban sẽ được quy định trong Nghị quyết của UBTVQH về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội như một phương thức tổ chức công việc của các cơ quan này để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với cách thức quy định về các cơ quan của Quốc hội.
Về kỳ họp Quốc hội, một số ý kiến ĐBQH đề nghị thay cụm từ “Quốc hội họp bất thường” tại khoản 2 Điều 90 thành “Quốc hội họp không thường lệ” hoặc Quốc hội có kỳ họp chuyên đề. Tiếp thu ý kiến này, Luật đã quy định theo hướng Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đồng thời, sẽ tiếp tục nghiên cứu việc đánh số các kỳ họp thường lệ và không thường lệ của Quốc hội cho phù hợp để thực hiện thống nhất từ nhiệm kỳ sau.