Thông qua dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là minh chứng của tư duy đổi mới
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhìn nhận, chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là minh chứng rõ ràng của tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, không tiếp cận đơn lẻ, cục bộ mà hoạch định tổng thể...
Tháo gỡ thể chế, không để lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Sáng 1/12, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu trao đổi về chuyên đề "Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế".
Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc Chủ tịch Quốc hội được báo cáo một chuyên đề về hoạt động của Quốc hội tại Hội nghị quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW chính là thể hiện sự đổi mới, đoàn kết, thống nhất rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đồng thời khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước, tập trung, nhanh tháo gỡ, khơi thông 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".
Qua đó, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dành thời gian nói về căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đặt ra yêu cầu đổi mới nhằm "tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế", Chủ tịch Quốc hội cho biết kỳ họp thứ 8 đã diễn ra với tinh thần đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.
Tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, chỉ đạo những định hướng nhằm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Trong đó, nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Quốc hội cần sớm khắc phục, đó là: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi.
Các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và nước ngoài, khơi thông nguồn lực trong dân.
Những tồn tại, hạn chế kéo dài đã nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
"Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Chính phủ", theo Chủ tịch Quốc hội.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không tiếp cận đơn lẻ, cục bộ mà trên góc nhìn tổng thể
Nêu bật những sự đổi mới từ tư duy đến hành động trong quá trình chuẩn bị, tổ chức và những kết quả đạt được của kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội cho hay, kỳ họp đã kế thừa, phát huy những ưu điểm, bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây; lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là qua thực tiễn hoạt động.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những đổi mới ngay từ khâu chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8.
Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ đã tổ chức 2 cuộc họp bao gồm một cuộc trước khai mạc kỳ họp hơn 1 tháng để rà soát các nội dung của kỳ họp.
Một cuộc họp trước khai mạc kỳ họp 1 tuần để thống nhất lần cuối về dự kiến chương trình kỳ họp và các nội dung báo cáo Quốc hội.
Ngoài ra cũng đổi mới trong công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết trên tinh thần đồng hành thực chất, tranh luận đến cùng, tôn trọng lắng nghe, lý lẽ dân chủ nhưng phải đi đến phương án thống nhất cuối cùng.
Tài liệu kỳ họp được gửi sớm đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến. Quốc hội đã bố trí làm việc vào 5 ngày nghỉ cuối tuần và kéo dài thời gian một số phiên họp so với thời gian quy định để hoàn thành các nội dung theo chương trình.
Thời gian trình bày tờ trình, báo cáo được rút ngắn để dành thời gian cho Quốc hội thảo luận, các cơ quan phát biểu, giải trình; giảm thời gian thảo luận tại hội trường, tăng thời gian thảo luận tại tổ để bảo đảm nhiều vị đại biểu Quốc hội được phát biểu ý kiến, trao đổi, thảo luận.
Ngay sau ngày thảo luận tại tổ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã phối hợp báo cáo giải trình sơ bộ, một ý kiến cũng phải được nghiên cứu, giải trình tiếp thu thấu đáo.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp.
Qua đó, số lượng các chương, điều, khoản trong các dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã giảm đáng kể so với dự thảo luật ban đầu do Chính phủ trình.
Cụ thể như: dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) giảm 2 chương, 3 điều và 5 khoản; dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) giảm 49 điều; dự án Luật Việc làm (sửa đổi) giảm 36 điều; Luật Nhà giáo giảm 21 điều; Luật Đầu tư công giảm 9 điều; Luật Quy hoạch đô thị và Nông thôn giảm 6 điều; Luật dữ liệu giảm 5 điều...
Một điểm nhấn của kỳ họp là Quốc hội xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc đã thông qua với tỷ lệ tán thành cao chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương...
Nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, tháo gỡ nhanh nhất các khó khăn, điểm nghẽn; hoạt động giám sát đi vào thực chất, hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh các sai sót, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý: "Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, không tiếp cận đơn lẻ, cục bộ mà được hoạch định trên góc nhìn tổng thể, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.
Đây không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước.
Cấp bách sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Thời gian tới, theo ông Mẫn, thực tiễn của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước.
Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, ông Mẫn nhấn mạnh tới nhiệm vụ quán triệt nghiêm yêu cầu cấp bách của công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong giai đoạn mới.
Song song đó, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ, tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và người lao động.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, trong đó: nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội".
Đảng đoàn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Quốc hội đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, họp bàn phân công cụ thể; Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội sẽ thống nhất cao và gương mẫu, đi đầu.