Thông qua cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị
Sáng 19/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã được thông qua với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Với 459/459 đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỉ lệ 100%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, thống nhất loạt cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị và giao Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh “được quyết định” phương án thi tuyển kiến trúc đối với các công trình đường sắt đô thị.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, để bảo đảm tiến độ của các dự án và các yếu tố mang tính tầm nhìn dài hạn của công trình đường sắt đô thị, dự thảo Nghị quyết đã quy định theo hướng giao quyền cho hai thành phố “được quyết định” việc có hay không thi tuyển kiến trúc đối với các công trình đường sắt đô thị.
Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ xem xét, quyết định tổ chức thi tuyển kiến trúc đối với các công trình cần bảo đảm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan đô thị, tạo sức hút và tăng tính hấp dẫn đối với hành khách sử dụng đường sắt đô thị. Đối với các công trình đường sắt đô thị không thực hiện thi tuyển phương án kiến trúc, các thành phố quyết định lựa chọn trên cơ sở một số phương án kiến trúc do tư vấn đề xuất.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Bên cạnh đó, các cơ chế đặc thù như huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; cùng các quy định áp dụng riêng cho thành phố Hồ Chí Minh được thông qua, mang tới nhiều cơ chế linh hoạt giúp hai thành phố chủ động huy động vốn từ nguồn thu tăng thêm, tiết kiệm chi, đơn giản hóa quy trình phê duyệt.
Theo quy hoạch, Hà Nội cần có 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 619km với 3 phân kỳ thực hiện: Từ nay – 2030 hoàn thành 4 tuyến, từ 2030 – 2035 hoàn thành tiếp 5 tuyến còn lại trong 10 tuyến theo quy hoạch, 2035- 2045 hoàn thành toàn bộ 15 tuyến.
Hiện tại, Hà Nội mới có 2 tuyến đường sắt trên cao đang hoạt động:
Tuyến metro số 2A, ga Cát Linh – Hà Đông.
Tuyến metro đoạn Nhổn – Ga Cầu Giấy.