Thông đồng trục lợi bảo hiểm sẽ bị phạt nặng
Nghị định 174/2024 đưa ra mức xử phạt hành chính với đại lý bảo hiểm, giám định viên rất cao khi các chủ thể này vi phạm trong giao kết hợp đồng, trong giám định hoặc thông đồng với khách hàng để hợp thức hóa các hồ sơ tài liệu.
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Nghị định 174/2024 của Chính phủ vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/2 đưa ra mức phạt mới với các hành vi vi phạm hành chính về kinh doanh bảo hiểm, cụ thể như sau:
Quy định mức phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm một trong các hành vi sau:
"Không cung cấp cho bên mua bảo hiểm các tài liệu trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm;
Không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng;
Không cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm", trích khoản 2 Điều 16 Nghị định 174/2024.
Đối với hành vi "thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự", mức phạt tiền như sau:
"Phạt tiền từ 20.000.000 - 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt dưới 10.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại dưới 20.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 40.000.000 - 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt từ 10.000.000 đồng đến dưới 15.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt từ 15.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng", trích điều 15 nghị định 174/2024.
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn, mức phạt đưa ra trong Điều 15 là gấp đôi số tiền gây thiệt hại, nhằm ngăn ngừa trường hợp ngụy tạo hiện trường tổn thất xe cơ giới để trục lợi bảo hiểm, đồng thời siết chặt hơn việc giao kết hợp đồng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng.