Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: 405.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: Đến nay, đã có 35 ngân hàng thương mại thông báo và công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất...

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn sáng 11/11. Ảnh: quochoi.vn

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn sáng 11/11. Ảnh: quochoi.vn

Sáng nay, 11/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về các lĩnh vực của ngành ngân hàng.

Hoạt động ngân hàng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Kể từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV- kỳ họp Thống đốc NHNN trả lời chất vấn các đại biểu cho đến nay, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng; căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu.

 Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Đến nay, đã có 35 ngân hàng thông báo và công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất. Ảnh: quochoi.vn

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Đến nay, đã có 35 ngân hàng thông báo và công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất. Ảnh: quochoi.vn

Chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh và mạnh ở nhiều nước khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao. Đồng đô la Mỹ, giá vàng tăng cao đến mức kỷ lục trong nước, những yếu kém nội tại của nền kinh tế đã bộc lộ ngày càng rõ hơn khi chịu tác động bởi đại dịch Covid-19.

Khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thiên tai, bão lũ… là những yếu tố tác động không nhỏ tới hoạt động của ngân hàng, đặt ra nhiều thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế, tiền tệ và kinh tế vĩ mô cũng như quản lý hoạt động ngân hàng.

Trước bối cảnh khó khăn nêu trên, NHNN và hệ thống ngân hàng đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, của các cơ quan báo chí.

NHNN đã luôn kiên định mục tiêu bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp, chính sách với liều lượng và thời điểm hợp lý đối với từng bối cảnh, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Các đơn vị trong hệ thống ngân hàng đã không ngại khó khăn, trách nhiệm trong công việc, tổ chức triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Như vậy, hoạt động ngân hàng đã có những đóng góp tích cực đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, đi đôi với tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất giảm trong khi mặt bằng lãi suất trên thế giới tăng cao; tỷ giá tương đối ổn định, mức độ mất giá phù hợp với xu hướng và ở mức thấp so với đồng tiền của nhiều nước.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi về các giải pháp của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) đặt câu hỏi về các giải pháp của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3. Ảnh: quochoi.vn

Cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3

Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra, NHNN và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ và tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội từ nguồn lực tài chính của các ngân hàng.

Đáng lưu ý, liên quan đến câu hỏi của đại biểu Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) về các giải pháp của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 và đặc biệt là khách hàng và người dân trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Ngay sau khi cơn bão số 3 xảy ra và có tác động rất nghiêm trọng đối với doanh nghiệp và người dân ở 26 tỉnh, thành phố, NHNN cũng đã cử ngay lãnh đạo NHNN trực tiếp đi khảo sát ở Hải Phòng và Quảng Ninh - hai tỉnh chịu tác động rất mạnh mẽ bởi cơn bão số 3 và xác định là dư nợ của 2 tỉnh thành chịu tác động bởi cơn bão số 3 này là khoảng 12.000 tỷ đồng.

NHNN cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng quan tâm và rà soát các khách hàng vay vốn tại tổ chức mình để xác định, đánh giá được mức độ thiệt hại của các khoản nợ khách hàng và người dân đã vay tại các ngân hàng.

Tổng hợp trên phạm vi của cả 26 tỉnh, thành phố, số dư nợ tín dụng của các khách hàng và cá nhân bị thiệt hại khoảng 190.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, chẳng hạn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định hiện hành.

Riêng đối với các khách hàng vay vốn chịu tác động của cơn bão này, NHNN cũng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất sau bão số 3; cho phép ban hành Thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của cơn bão số 3 tại 26 tỉnh, thành phố.

Cùng với việc xem xét miễn, giảm lãi cho doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão, ngành ngân hàng cũng rất tích cực tham gia công tác an sinh xã hội. Tổng giá trị hệ thống ngân hàng tham gia công tác an sinh xã hội ngay sau cơn bão là khoảng 40 tỷ đồng.

NHNN cũng đã tổ chức hội, hội nghị và chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống. Theo đó, mỗi tổ chức tín dụng cân nhắc, xem xét, cân đối nguồn vốn của mình để đưa ra các gói tín dụng. Đến nay, 35 ngân hàng thông báo và công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất.

Tính đến ngày 31/10, các ngân hàng thương mại đã thực hiện cho vay mới đối với doanh nghiệp và người dân theo chương trình về ưu đãi với doanh số lũy kế khoảng 27.000 tỷ đồng và hạ lãi suất cho những khoản vay hiện hữu với dư nợ được giảm lãi suất khoảng 82.000 tỷ đồng.

NHNN cũng đã chỉ đạo tất cả các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP cũng như Nghị định số 116/2018/NĐ-CP./.

N.MAI- X.HỒNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thong-doc-nguyen-thi-hong-405-000-ty-dong-ho-tro-khach-hang-bi-anh-huong-boi-bao-so-3-36178.html
Zalo