Thông điệp từ cuộc trao đổi tù nhân lịch sử ở Ankara

Ngày 1/8, gần chục chiếc máy bay không mang số hiệu thương mại xuất phát từ nhiều nơi trên thế giới đã đáp xuống sân bay ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ rồi vội vã rời đi, đưa 26 người công dân Nga, Mỹ và các nước phương Tây trở về với gia đình sau nhiều tháng bị giam cầm. Đằng sau cuộc trao đổi chóng vánh này là một cuộc đấu trí Đông-Tây gay cấn cùng những thông điệp không dễ đoán.

Quả ngọt nhờ “ngoại giao bóng tối”

Khi bầu trời Moscow còn đen kịt trong đêm 1/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức Nga cấp cao đã chờ sẵn tại sân bay Vnukovo để chào đón những người đặc biệt. Họ không phải nguyên thủ các quốc gia bạn bè, mà là 10 công dân Nga được các nước phương Tây trao trả theo thỏa thuận trao đổi tù nhân bí mật giữa hai bên, đổi lấy việc Moscow thả tự do cho 16 người đang bị giam giữ ở Nga và Belarus. Hình ảnh do truyền thông Nga đăng tải cho thấy 8 người lớn và 2 đứa trẻ bước xuống máy bay trên cầu thang được trải thảm đỏ, hai bên là đội danh dự lực lượng vũ trang Nga. Tổng thống Putin tặng hoa, bắt tay và ôm từng người.

Tổng thống Putin chào đón những người Nga vừa được phương Tây trao trả, tại Moscow.

Tổng thống Putin chào đón những người Nga vừa được phương Tây trao trả, tại Moscow.

Phát ngôn viên Điện Kremlin xác nhận, ít nhất 3 trong số những công dân Nga vừa được ông Putin chào đón là các điệp viên. Người đầu tiên là Vadim Krasikov, thụ án tù chung thân tại Đức vì cáo buộc hạ sát cựu chỉ huy ly khai Chechnya năm 2019 ở thủ đô Berlin. 2 người kia là Artem Dultsev và Anna Dultseva bị giam giữ ở Slovenia. Những công dân Nga còn lại được thả gồm 3 người bị giam ở Mỹ vì cáo buộc hack máy tính, lừa đảo mạng hoặc tuồn công nghệ quân sự vì lợi ích của Nga; 1 người ở Ba Lan và 1 người ở Na Uy cũng vì cáo buộc làm gián điệp.

Ít giờ sau cuộc tiếp đón của Tổng thống Putin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và cấp phó Kamala Harris cũng có mặt ở căn cứ Andrews thuộc bang Maryland để đón 3 người được Nga trao trả. Phát biểu giữa thành viên gia đình các tù nhân vừa trở về, Tổng thống Biden nói ông đã dựa vào các đồng nghiệp ở nước ngoài để giúp đạt thỏa thuận lịch sử. “Thỏa thuận này trở thành hiện thực là một kỳ tích của ngoại giao và tình bạn. Đó là một kết quả có hậu”.

Báo giới quốc tế gần như không biết gì về cuộc trao đổi cho đến khi nó gần kết thúc. Dù chỉ diễn ra vỏn vẹn vài giờ, nhưng để có được thỏa thuận đó, Nga đã tham gia các cuộc đấu trí kéo dài cả năm “trong bóng tối” với phương Tây, dẫn đầu bởi Mỹ.

Theo New York Times, hai bên đều muốn trao đổi tù nhân từ lâu, nhưng không tìm được tiếng nói chung. Trong khi Mỹ muốn Moscow thả phóng viên tờ The Wall Street Journal Evan Gershkovich, Paul Whelan, nhà thầu an ninh người Mỹ và nhà báo Alsu Kurmasheva, thì Nga tìm cách đưa các đặc vụ bị giam ở cả Mỹ và các nước NATO khác trở về. Mỹ dường như đã nêu một đề xuất trao đổi song phương với Nga vào năm 2023 nhưng Moscow phớt lờ. Nhóm của Tổng thống Mỹ Biden sau đó quyết định mở rộng phạm vi thỏa thuận tới cả các nước châu Âu để tạo đòn bẩy mặc cả trên bàn đàm phán. Bước ngoặt cuối cùng xuất hiện vào một ngày tháng 6/2024, khi các quan chức CIA và giới tình báo Nga đến một nước Trung Đông, được cho là Thổ Nhĩ Kỳ, để thương lượng. Mỹ đã đưa đề xuất mà Nga khó từ chối: hai bên trao đổi hơn 20 tù nhân đang bị giam giữ ở Nga, Mỹ và một số nước châu Âu khác.

Cuối cùng, các bên đều đạt được thứ họ muốn. Tính cả chiếc máy bay của Nga, có 7 phi cơ không mang số hiệu thương mại đáp xuống sân bay Ankara ngày 1/8 cùng 24 tù nhân và 2 đứa trẻ. Một chiếc sau đó rời đi Moscow cùng 10 người Nga, một chiếc đến Mỹ cùng 3 người Mỹ và một chiếc đến Đức chở theo 13 người còn lại, đánh dấu cuộc trao đổi đầu tiên giữa Nga và phương Tây kể từ khi ngôi sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner trở về nước để đổi lấy trùm buôn vũ khí người Nga Viktor Bout vào tháng 12/2022. Đây cũng là đợt trao đổi lớn nhất kể từ năm 2010, khi 14 người bị cáo buộc hoạt động gián điệp được trả tự do, trong đó có điệp viên hai mang Sergei Skripal và nữ điệp viên Nga Anna Chapman. Trước đó, những cuộc trao đổi có quy mô trên 10 người chỉ diễn ra thời Chiến tranh Lạnh vào năm 1985 và 1986.

Tổng thống Biden và cấp phó Harris đón công dân Mỹ được Nga trả tự do, ở Maryland.

Tổng thống Biden và cấp phó Harris đón công dân Mỹ được Nga trả tự do, ở Maryland.

Theo Daily Sabab, các quốc gia tham gia cuộc trao đổi này là Mỹ, Nga, Belarus, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, cho thấy mức độ phức tạp của các vấn đề mà các nhà đàm phán gặp phải. Trong đó, Cơ quan Tình báo quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) là bên đứng ra làm trung gian. Ankara đến nay vẫn được đánh giá là một trong số ít quốc gia có thể duy trì quan hệ tốt đẹp đồng thời với Nga và phương Tây.

Lời nhắn gửi của Tổng thống Putin?

Một số ý kiến cho rằng Nga dường như nhượng bộ và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có được thành tựu ngoại giao đáng kể trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, sự chênh lệch trong công thức trao đổi này phản ánh giá trị các con tin và mong muốn của Tổng thống Vladimir Putin trong nỗ lực đưa những điệp viên bị giam giữ ở nước ngoài hồi hương.

Nga dù thông báo Krasikov và cặp vợ chồng Dultsev - Dultseva là điệp viên, nhưng chưa từng xác nhận nhiệm vụ mà những người này đảm nhiệm. Reuters dẫn nguồn tin nhà chức trách Đức cho hay, điệp viên Krasikov nhập cảnh vào Đức từ Pháp với giấy tờ giả mang tên một người đàn ông Nga là Vadim Sokolov. Giới chức Đức cáo buộc Krasikov ngày 23/8/2019 đi xe đạp chậm rãi theo sau Zelimkhan “Tornike” Khangoshvili, một thủ lĩnh lực lượng ly khai Chechnya đang tị nạn ở Berlin, rồi nổ súng vào đầu Khangoshvili trong công viên khiến ông ta thiệt mạng. Các nhân chứng kể lại rằng, họ đã thấy Krasikov thay quần áo, cạo râu, ném xe đạp và tóc giả xuống sông Spree rồi tẩu thoát trên xe máy điện, nhưng bị nhà chức trách Đức bắt giữ.

Trong khi đó, hai đặc vụ Artem Dultsev và Anna Dultseva bại lộ trong lúc đang đóng giả cặp đôi người Argentina điều hành một doanh nghiệp công nghệ thông tin và phòng trưng bày nghệ thuật ở thủ đô Ljubljana của Slovenia. Họ đến Slovenia từ năm 2017, có với nhau 2 con chung. New York Times cho biết, trong quá trình hoạt động ở Slovenia, Anna Dultseva đóng giả một nghệ sĩ Argentina tên Maria Rosa Mayer Munos. Gia đình Dultsev ở trong ngôi nhà 3 tầng, bao quanh bởi hàng rào gỗ. Cô Dultseva được đánh giá là nói tiếng Tây Ban Nha như người bản địa và 2 lần tổ chức triển lãm nghệ thuật ở Scotland. Mariken Heijwegen, một nghệ sĩ Hà Lan từng làm việc với Dultseva mô tả “cô ấy giống người Argentina” và “rất ngọt ngào, tốt bụng”. “Họ không bao giờ chào hỏi ai và sống cuộc sống hoàn toàn tách biệt”, Majda Kvas, một phụ nữ 93 tuổi sống đối diện ngôi nhà cũ của các điệp viên Nga, kể lại và cho biết thêm, những người hàng xóm từng tò mò cặp đôi này đến từ đâu, nhưng nhanh chóng quên đi do họ không bao giờ gây rối.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022 và một quốc gia bí ẩn đã cấp tin tình báo, khuyến nghị Slovenia điều tra gia đình Dultsev. Theo New York Times, nghi ngờ với gia đình này tăng lên khi các điều tra viên phát hiện 2 con của cặp đôi gián điệp Nga đi học tại Trường Quốc tế Anh với học phí 10.000 USD/năm/người - vượt khả năng chi trả của cặp đôi dựa trên báo cáo tài chính cá nhân của họ, khi phòng trưng bày nghệ thuật mang tên 514 của Dultseva báo lỗ 12.000 USD năm 2019, lãi gần 500 USD năm 2020 và 3.300 USD năm 2021. Cuối cùng, họ bị bắt giữ tại nhà khi đang liên lạc về Nga.

Ngôi nhà của gia đình Dultsev ở Slovenia.

Ngôi nhà của gia đình Dultsev ở Slovenia.

Theo giới quan sát, Krasikov và gia đình Dultsev là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Nga trong cuộc trao đổi. Điểm chung của họ là sự trung thành và hi sinh vì nước Nga. Cho đến khi bị kết án tù, Krasikov luôn khăng khăng mình có tên Sokolov, một kĩ sư xây dựng ở St Petersburg đến Berlin du lịch chứ không phải điệp viên Nga. Các nhà điều tra Đức được cho là chỉ có thể xác định danh tính của Krasikov nhờ sự trợ giúp của các cơ quan tình báo Ukraine thông qua một hình xăm trên người Krasikov.

Đối với gia đình Dultsev, họ “diễn” tốt đến mức 2 đứa trẻ của họ cũng không nhận ra chúng là người Nga. “Lũ trẻ của 2 điệp viên chỉ nhận ra chúng là người Nga trên chuyến bay hồi hương. Các bé không nói tiếng Nga”, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov nói hôm 1/8. “Các bé không biết Tổng thống Putin là ai. Đó là cách các điệp viên Nga hoạt động, hy sinh vì công việc và tận tụy vì nhiệm vụ... Ông Putin đã chào họ bằng tiếng Tây Ban Nha”.

Bà Tatyana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie về Nga và khu vực Á-Âu nhận định, “đối với Tổng thống Putin, những người Nga trở về là những người yêu nước, sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia Nga” và rằng “những người vẫn đang làm việc ở nước ngoài sẽ luôn được bảo vệ tối đa”.

Trong bài phát biểu chào mừng 10 công dân Nga vừa hồi hương, đích thân Tổng thống Putin đã gọi họ là những anh hùng đã phục vụ tổ quốc. “Tổ quốc chưa bao giờ quên các bạn dù chỉ một phút”, ông Putin nêu thông điệp.

Phùng Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/thong-diep-tu-cuoc-trao-doi-tu-nhan-lich-su-o-ankara-i740214/
Zalo