Thông điệp Năm mới 2025: Hy vọng về sự khởi đầu mới, cần một 'giải pháp chữa lành'

Thời điểm 'khúc giao mùa' 2025, cùng với màn pháo hoa rực rỡ và tiếng đồng hồ đếm ngược giục giã, theo thông lệ, nhân loại ngóng chờ thông điệp từ các nhà lãnh đạo thế giới.

Gửi gắm niềm tin

Theo người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, năm 2024 có quá nhiều điều thất vọng, xung đột kéo dài trong bất lực, thiên tai thảm họa chạm mốc lịch sử, thế giới chia rẽ, đối đầu sâu sắc…

Dù “không có gì bảo đảm chắc chắn điều gì sẽ xảy ra vào năm 2025” nhưng ông vẫn lạc quan, “chúng ta có thể biến 2025 thành một khởi đầu mới, không phải một thế giới chia rẽ mà là một thế giới gắn kết…”. Đây cũng chính là niềm an ủi và kỳ vọng của số đông.

Lý giải về năm cũ, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức từ sự bất định của môi trường bên ngoài và áp lực chuyển đổi động lực tăng trưởng bên trong. Đồng thời, ông khẳng định, Bắc Kinh đã “đóng góp to lớn vào việc duy trì hòa bình và ổn định thế giới” và tự tin Năm mới sẽ vượt qua thách thức, áp lực, cùng nhau tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho thế giới.

Trong lời chúc Năm mới chỉ hơn 3 phút - ngắn chưa từng thấy, Tổng thống Vladimir Putin mô tả những thách thức của Nga như một phần của sứ mệnh lịch sử lớn lao hơn. Phúc lợi của người dân Nga vẫn là ưu tiên hàng đầu của ông chủ Điện Kremlin. Lời khẳng định “chúng ta sẽ chỉ tiến lên phía trước” cho thấy quyết tâm và đường hướng tới của nước Nga, trên mặt trận quân sự hay ngoại giao và kinh tế.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không có cơ hội đọc thông điệp đầu năm nhưng tuyên bố trước đó của ông chứa đựng nhiều vấn đề khiến thế giới quan tâm. Nổi bật là phương châm “nước Mỹ trên hết”, “làm cho nước Mỹ trở lại vĩ đại” cả trong cuộc chiến kinh tế, các cuộc xung đột, vấn đề toàn cầu (di cư, biến đổi khí hậu…) lẫn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của xứ cờ hoa cả “biên giới cứng và mềm”.

Vị nguyên thủ thứ 47 của nước Mỹ sẵn sàng sử dụng công cụ thuế quan, trừng phạt kinh tế với Trung Quốc, Nga, khối BRICS nếu thách thức vị thế đồng USD, biểu tượng sức mạnh của Mỹ; cả với đồng minh, đối tác nếu không tuân thủ sự sắp đặt của mình.

Năm 2024, chính phủ Đức và Pháp - 2 “đầu tàu” của châu Âu cùng chịu vận hạn, phải đặt cược vào canh bạc bầu cử sớm. Cả Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều hy vọng sự đoàn kết của người dân sẽ giúp đất nước vượt qua thử thách.

Trong bài phát biểu được phát sóng toàn quốc trước thềm Năm mới, ông Olaf Scholz khẳng định số phận của nước Đức nằm trong tay người dân nước này và con đường phía trước là "cùng nhau đoàn kết mạnh mẽ". Còn ông chủ Điện Elysee kêu gọi người dân đoàn kết để mang lại ổn định, phục hồi và phát triển, đồng thời cảnh báo nước Pháp cần “mạnh mẽ và độc lập hơn” để đối phó với những bất ổn của thế giới trong năm 2025.

Xu hướng và khát vọng

Thông điệp đầu Năm mới của các nhà lãnh đạo nổi lên nhiều vấn đề lớn của thế giới.

Một, bi quan về một năm cũ đầy bất ổn, bất lực. Xung đột ở Ukraine, Trung Đông vẫn nóng, kéo dài, liên tiếp vượt lằn ranh đỏ, leo thang căng thẳng, lại xuất hiện thêm điểm nóng mới. Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ trong vòng 11 ngày; lực lượng đối lập có yếu tố ngoại lai nắm quyền báo hiệu một Syria có nguy cơ chìm trong nội chiến và bị bên ngoài xâu xé.

Chính trường Hàn Quốc chưa biết sẽ trôi về đâu sau cuộc chiến pháp lý nóng bỏng quanh việc ban bố tình trạng khẩn cấp mà sau nó là cuộc chiến lật đổ và chống lật đổ của các đảng phái. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung 2.0 chưa chính thức khởi động nhưng đã khiến không chỉ hai cường quốc mà nhiều nước lo âu.

Lãnh đạo Liên hợp quốc và nhiều quốc gia lên án xung đột, các hành vi gây thảm họa nhân đạo, đề xuất ý tưởng đóng băng chiến sự… Nhưng kế hoạch ngừng bắn, đối thoại mong manh ngay lập tức bị xé toạc bởi các đòn ăn miếng trả miếng tàn khốc. Càng ám ảnh càng hy vọng. Càng hy vọng càng cảm thấy bất lực.

Hai, lòng tin xuống thấp nhưng không hề biến mất. Thiếu hay mất lòng tin chiến lược là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột và đẩy xung đột vào cảnh đường hầm không lối thoát. Nhưng như lời Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, “ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, tôi vẫn thấy sức mạnh của hy vọng thay đổi”. Vì sao?

Nhiều lần lằn ranh đỏ bị vượt qua, nhưng may mắn chưa dẫn tới cuộc chiến toàn diện ở khu vực, thế giới hay chiến tranh hạt nhân. Khả năng hủy diệt của vũ khí chiến lược, chiến tranh hiện đại, chừng nào đó cũng kìm hãm các đầu nóng, buộc họ phải cân nhắc thận trọng trước mỗi quyết định.

Các bên, dù hơn hay kém, bên trong hay bên ngoài, cũng dần thấy giới hạn của sức chịu đựng, muốn hoặc buộc phải tìm kiếm cách giải quyết khác. Dù là kế lâu dài hay chỉ là nước cờ hoãn binh, ít nhất cũng làm giảm leo thang căng thẳng, mở ra cơ hội đối thoại.

Xu hướng kêu gọi ngừng bắn, đối thoại ngày càng mạnh mẽ trên thế giới, trong các nước can dự, liên quan, dù không giữ vai trò quyết định, nhưng cũng tạo áp lực lớn đến hành động của các chính phủ, nhất là hoạt động quân sự.

Ba, đoàn kết, gắn kết là “chìa khóa”. Dù tình trạng chia cắt, phân mảnh vẫn hiện diện, nhưng các nước ngày càng thấy cần bắt tay nhau, dù chỉ ở một số lĩnh vực, thách thức chung. Trong thông điệp Năm mới, từ các nước lớn, quốc gia can dự xung đột, đến các nước khác, dù đậm nhạt, đều đề cập mong muốn hòa bình, thịnh vượng cho tất cả; đến nỗ lực chung, tăng cường đoàn kết bên trong và sự gắn kết của thế giới, như một “giải pháp chữa lành”, tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.

Xu hướng đa cực hóa, xây dựng trật tự thế giới công bằng, dân chủ hơn ngày càng rõ và khó đảo ngược. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nước đang phát triển, các quốc gia Nam bán cầu không những là động lực cho phát triển mà còn là tiếng nói có trọng lượng phản ánh nhu cầu giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế.

Đại diện tiếng nói chung, Tổng thư ký Liên hợp quốc “cam kết sẽ sát cánh cùng tất cả những người đang nỗ lực xây dựng một tương lai hòa bình, bình đẳng, ổn định và lành mạnh hơn cho tất cả mọi người. Cùng nhau, chúng ta có thể biến năm 2025 thành một khởi đầu mới”.

Dù giữa tuyên bố và hành động vẫn có khoảng cách, đôi khi khá xa. Nhưng chúng ta vẫn thấy sáng lên những xu hướng chung, khát vọng chung trong thông điệp của các nhà lãnh đạo, trong thời khắc thiêng liêng. Đó là điều chúng ta hy vọng và cần nỗ lực hành động trong Năm mới, 2025.

TS. Vũ Đăng Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-diep-nam-moi-2025-hy-vong-ve-su-khoi-dau-moi-can-mot-giai-phap-chua-lanh-299032.html
Zalo