Thông điệp khẳng định nỗ lực của người khuyết tật trong lao động việc làm
Trong 2 ngày (3 và 4/12), tại Hà Nội diễn ra hội thảo khu vực về việc làm năm 2024 với chủ đề 'Nâng cao năng lực thông qua tạo việc làm cho người khiếm thị'.
Sự kiện do Hội Người mù Việt Nam phối hợp cùng Công ty và Trung tâm vì người mù Sao Mai tổ chức. Đây là hoạt động ý nghĩa nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12), truyền tải thông điệp mạnh mẽ khẳng định những nỗ lực và đóng góp của người khuyết tật trong đời sống lao động, việc làm.
Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội, đồng chí Ngọ Văn Khuyến - Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương, đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức của và vì người khuyết tật trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra 7 phiên làm việc gồm: diễn đàn của doanh nghiệp, thanh niên khiếm thị, nhà hoạch định chính sách và các chủ đề về vai trò của các bậc phụ huynh và xã hội, báo cáo nghiên cứu về việc làm.
Các đại biểu đến từ Hội đồng quốc tế về giáo dục cho người khiếm thị (ICEVI), Nippon Foundation, Mitra Netra Foundation, Resources for the Blind Inc cùng các tổ chức, đại diện doanh nghiệp đến từ Indonesia, Philippines và Việt Nam đã cùng thảo luận về những thách thức khi tuyển dụng người lao động khiếm thị, vận động chính sách nhằm nâng cao cơ hội việc làm, giải pháp nâng cao hiệu quả khi tìm kiếm việc làm của người khiếm thị; xác định vai trò của phụ huynh và báo cáo về tình hình việc làm của người khiếm thị tại 3 quốc gia.
Phát biểu khai mạc, bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: “Trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ đáng kể trong việc tạo việc làm cho người khiếm thị tại 3 quốc gia nói riêng và khu vực ASEAN nói chung. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, rào cản như hạn chế tiếp cận đào tạo nghề chuyên sâu, thiếu cơ hội việc làm và định kiến xã hội vẫn tồn tại ở nhiều nơi. Hội thảo là hoạt động để chia sẻ những kinh nghiệm, thảo luận về những vấn đề quan trọng và đề xuất các sáng kiến nhằm thúc đẩy việc làm hòa nhập cho người khiếm thị”.
Đánh giá cao về sáng kiến tổ chức hội thảo quốc tế, ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội cho rằng, hội thảo đã đóng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy cơ hội nghề nghiệp cho người khiếm thị không chỉ tại Việt Nam, Indonesia, Philippines mà còn trong cả khu vực ASEAN.
“Nâng cao năng lực cho người khiếm thị thông qua tạo việc làm không chỉ là trách nhiệm mà còn mang ý nghĩa kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc. Từng cơ hội được trao sẽ không chỉ thay đổi cuộc sống của một cá nhân, mà còn tác động tích cực đến gia đình, cộng đồng và toàn xã hội” – ông Nguyễn Hồng Ngọc khẳng định.
Trong phiên thảo luận, các chuyên gia đến từ tổ chức ICEVI, Mitra Netra Foundation đã chia sẻ về kết quả của những dự án, mô hình chuyển đổi từ giáo dục bậc cao sang chương trình việc làm nhằm hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường thông qua việc trang bị kỹ năng mềm và công nghệ thông tin.
Bên lề các phiên trao đổi, diễn đàn của doanh nghiệp do người khiếm thị điều hành, có người khiếm thị làm việc hoặc trường đại học, doanh nghiệp hỗ trợ người khiếm thị đã chia sẻ về mô hình, kinh nghiệm hoạt động.
Hội thảo tổ chức các phiên thảo luận về diễn đàn của các thanh niên khiếm thị chia sẻ về bí quyết, câu chuyện thành công; diễn đàn của các nhà hoạch định chính sách; báo cáo nghiên cứu về việc làm của các quốc gia; diễn đàn về vai trò của các bậc phụ huynh và tổ chức xã hội trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tuyển dụng của người khiếm thị. Đặc biệt là vai trò của phụ huynh trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các bạn trẻ trong quá trình tìm kiếm việc làm và phát triển sự nghiệp.
Tại hội thảo, bà Đinh Việt Anh thông tin về các chương trình hỗ trợ và phát triển việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam, mở rộng đào tạo các nghề nghiệp có tính hòa nhập cao, phù hợp với xu thế 4.0.
Cụ thể, tổ chức khóa đào tạo thương mại điện tử (bán hàng trực tuyến); dán nhãn dữ liệu; nghề pha chế đồ uống; kỹ thuật xoa bóp nâng cao (khóa đào tạo y sĩ y học cổ truyền).