Thông điệp chiến lược từ việc NATO tập trận 'Sea Shield' ở Biển Đen

Sự kiện này không chỉ là hoạt động huấn luyện thường niên mà còn gửi thông điệp chiến lược về sự đoàn kết và sẵn sàng của liên minh trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực đang diễn biến phức tạp.

Lực lượng NATO trong một cuộc tập trận ở Biển Đen. Ảnh: NATO (nato.int)

Lực lượng NATO trong một cuộc tập trận ở Biển Đen. Ảnh: NATO (nato.int)

Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 2/4, tuần này, một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn mang tên "Lá chắn biển" (Sea Shield) đã được kích hoạt tại Biển Đen và đồng bằng sông Danube, với sự tham gia của hơn 2.300 quân nhân đến từ 12 quốc gia thành viên NATO. Cuộc tập trận này không chỉ là hoạt động quân sự thường niên mà còn là thông điệp chiến lược quan trọng trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực.

Quy mô và ý nghĩa của cuộc tập trận

Cuộc tập trận "Lá chắn biển" do Romania dẫn đầu với 1.600 quân tham gia, cùng với lực lượng từ 11 quốc gia đồng minh bao gồm Albania, Bulgaria, Canada, Pháp, Hy Lạp, Italy, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù được tổ chức lần đầu từ năm 2015, nhưng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022, cuộc tập trận này đã trở nên đặc biệt quan trọng.

Lực lượng Hải quân Romania mô tả đây là "sự kiện phức tạp nhất" mà họ tiến hành, với mục tiêu tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng hải quân, không quân và lục quân của các nước đồng minh. Quy mô và tính chất của cuộc tập trận phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của NATO về tình hình an ninh ở khu vực Biển Đen.

Biển Đen, dù tương đối nhỏ và khép kín, lại có vai trò chiến lược quan trọng đối với nhiều quốc gia xung quanh bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Gruzia, Ukraine và Nga. Cuộc tranh giành quyền kiểm soát vùng biển này đã diễn ra qua nhiều thế kỷ và hiện đang đóng vai trò then chốt trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Năm 2014, việc Nga sáp nhập Crimea đã giúp Moskva kiểm soát căn cứ hải quân Sevastopol và trên thực tế đã đặt vùng biển gần Ukraine dưới sự kiểm soát của mình. Điều này tạo điều kiện cho Nga gây sức ép cho hoạt động thương mại của Ukraine, đặc biệt là xuất khẩu ngũ cốc sang các nước châu Phi.

Trước động thái của Nga, các nước NATO đã tăng cường hợp tác. Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ đã phối hợp cho phép tàu hàng Ukraine đi qua vùng biển của họ, rồi qua eo biển Bosporus để ra Địa Trung Hải. Điều này giúp Ukraine duy trì khả năng tiếp cận biển xa, đảm bảo lợi ích kinh tế và ổn định nền kinh tế của họ trong thời chiến.

Nga dường như không muốn mạo hiểm tấn công tàu thuyền trong vùng biển của các nước NATO, điều này vô tình tạo ra một hành lang an toàn tương đối cho Ukraine. Cuộc tập trận "Lá chắn biển" càng củng cố thêm quyết tâm của NATO trong việc bảo vệ an ninh khu vực và hỗ trợ Ukraine.

Vào ngày 25/3, Mỹ đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine và Nga nhằm "loại bỏ việc sử dụng vũ lực" ở Biển Đen sau các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia. Thỏa thuận này có thể giúp việc vận chuyển hàng hóa trở nên an toàn hơn, tuy nhiên đã không đạt được do các điều kiện mà Điện Kremlin đưa ra.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố: "Chúng tôi xem xét các mô hình và giải pháp do phía Mỹ đề xuất một cách khá nghiêm túc, nhưng chúng tôi không thể chấp nhận tất cả chúng như hiện tại".

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tap-tran-dien-tap/thong-diep-chien-luoc-tu-viec-nato-tap-tran-sea-shield-o-bien-den-20250402153347310.htm
Zalo