Thông điệp ẩn sau trang phục lễ nhậm chức của các Đệ nhất Phu nhân Mỹ
Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ từ lâu đã là cơ hội để Đệ nhất Phu nhân tạo ấn tượng đầu tiên. Họ thường gây ấn tượng thông qua những lựa chọn trang phục trong buổi lễ kéo dài từ sáng đến tối.
Kênh CNN ngày 18/1 đã điểm lại một số Đệ nhất Phu nhân có trang phục nhậm chức ấn tượng và mang ý nghĩa sâu sắc.
Caroline Harrison
Ngày nay, người ta kỳ vọng rằng gia đình tổng thống Mỹ sẽ mặc những bộ trang phục thể hiện sự tinh tế và nâng cao giá trị của thời trang Mỹ. Ralph Lauren trở thành nhà thiết kế đầu tiên nhận Huân chương Tự do Tổng thống vào đầu tháng này, sau khi có một lịch sử dài đóng góp trong thiết kế trang phục cho các tổng thống và đệ nhất phu nhân.
Tuy nhiên, trang phục thể hiện niềm tự hào quốc gia có từ năm 1889, khi Đệ nhất Phu nhân Caroline Harrison đã chọn một bộ váy dự tiệc nhậm chức được làm hoàn toàn tại Mỹ để hỗ trợ chương trình kinh tế “America first” của Tổng thống Benjamin Harrison.
Đó là một nỗ lực hợp tác giữa nhiều bang. Chiếc váy được làm tại Ghormley, Robes et Manteaux ở thành phố New York. Vải lụa thêu được lấy từ Công ty Lụa Logan ở vùng Finger Lakes phía Bắc. Họa tiết cây sồi do nghệ sĩ Mary Williamson ở Indiana thiết kế.
Mamie Eisenhower
Mamie Eisenhower biết sức mạnh của báo chí và sự khôn ngoan trong việc tạo ra chú ý. Vào năm 1953, mặc dù có những lời kêu gọi từ báo chí để công bố chi tiết về chiếc váy nhậm chức của bà, bà cố tình giữ lại thông tin và hình ảnh cho đến sát buổi lễ.
Chiếc váy của nhà thiết kế Nettie Rosenstein có hơn 2.000 viên đá pha lê được thêu tay, đi kèm với găng tay opera, một chiếc túi đính pha lê và một vòng cổ ba chuỗi ngọc trai. Màu sắc của chiếc váy là một tông màu khiến bà trở nên nổi tiếng. Đó là màu hồng Renoir nhẹ nhàng, nhưng ấn tượng. Chiếc váy hồng nhạt của bà Eisenhower cũng xuất hiện một lần nữa, nhưng dưới dạng tranh vẽ trong chân dung chính thức của bà do Thomas Edgar Stevens vẽ. Bà đã tạo dáng khi mặc chiếc váy này bên cạnh hoa xuân.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của chồng, bà Eisenhower đã tự quảng bá: Bà đã mặc chiếc váy thêu ngọc trai, pha lê và topaz (cũng do Rosenstein thiết kế) cùng phụ kiện là một chiếc túi có chữ M ở một bên và số 1957 ở bên kia.
Jacqueline Kennedy Onassis
Jackie Kennedy không phải là người đầu tiên nhìn nhận thời trang như một công cụ quyền lực mềm, nhưng bà đã sử dụng thời trang một cách hiệu quả.
Mặc dù theo truyền thống, buổi tiệc tối lễ nhậm chức là nơi để tạo ấn tượng lớn, nhưng lựa chọn nổi bật nhất của bà Kennedy trong ngày chính là chiếc mũ pillbox: một dáng mũ hiện đại, thanh lịch và bắt mắt màu xanh phấn. Đây là sản phẩm của nhà thiết kế Halston, một nhà tạo mũ đang nổi.
Những lựa chọn trang phục của Đệ nhất Phu nhân Kennedy trong suốt cả ngày, bao gồm chiếc váy không tay làm từ lụa chiffon màu trắng ngà với áo choàng đồng màu mặc trong buổi dạ tiệc tối, đã khẳng định bà như một thế lực mới trong thế giới thời trang và ủng hộ tầm nhìn của John F. Kennedy về một kỷ nguyên mới.
Lady Bird Johnson
Khi làm Đệ nhất Phu nhân, bà Lady Bird Johnson là người đầu tiên tham gia tích cực trong lễ tuyên thệ của tổng thống, giữ cuốn Kinh Thánh cho Lyndon B. Johnson vào năm 1965 - một lựa chọn đã trở thành truyền thống. Bà đã làm Đệ nhất Phu nhân hơn một năm.
Trong những bức ảnh chụp tại sự kiện năm 1965, bà Johnson nổi bật với chiếc váy đỏ giữa biển người mặc vest đen. Nhưng chính chiếc váy satin vàng tươi và áo khoác viền lông nhung mà bà mặc buổi tối hôm đó đã trở thành một trong bộ trang phục đáng nhớ nhất trong ngày nhậm chức.
Đó là một lựa chọn có chủ đích, vì bà Johnson đã cân nhắc đến “cuộc đời thứ hai” của chiếc váy khi nó được trưng bày trong bảo tàng Smithsonian. Bộ trang phục do John Moore thiết kế được chọn vì kiểu dáng đơn giản và các chất liệu mà bà tin rằng sẽ trường tồn.
Rosalynn Carter
Ngày nay, những người nổi tiếng và các nhân vật công chúng mặc lại trang phục tại các sự kiện khác nhau thường được khen ngợi vì lựa chọn bền vững, như Meghan Markle, Nữ công tước xứ Sussex; Jane Fonda và Cate Blanchett. Tuy nhiên, Rosalynn Carter, người đi đầu trong xu hướng này, lại không được đón nhận tương tự khi bà mặc lại chiếc váy có viền vàng của nhà thiết kế Mary Matise cho buổi tiệc nhậm chức vào năm 1977 sau lễ tuyên thệ của Tổng thống Jimmy Carter.
Bà đã mặc chiếc váy này tại buổi tiệc nhậm chức của ông khi ông được bầu làm thống đốc bang Georgia sáu năm trước. Lựa chọn thời trang khéo léo của bà nhằm thể hiện sự tôn vinh đối với thành tựu của chồng. Tuy nhiên, báo chí và công chúng đã chỉ trích quyết định này.
Bà Edith Mayo, lúc đó là người quản lý triển lãm Đệ nhất Phu nhân, đã nói với PBS vào năm 2001: “Bà ấy muốn tiếp tục truyền thống và mặc chiếc váy đó khi ông Carter được tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Nhưng cộng đồng thời trang rõ ràng không hiểu được và họ không thích điều đó”.
Nancy Reagan
Sau khi bà Rosalynn Carter kết thúc nhiệm kỳ, bà Nancy Reagan đã thể hiện ý định của mình vào năm 1981 với một chiếc váy trắng lệch vai, được thêu và đính đá cầu kỳ tại buổi tiệc nhậm chức. Đó là “một tuyên bố rằng thời trang có ý nghĩa”, tờ New York Times đã viết trong bài cáo phó của nhà thiết kế James Galanos, người cộng tác lâu dài của bà Nancy Reagan. Kết hợp với găng tay opera màu trắng và mái tóc được tạo kiểu kiểu Pháp gọn gàng, Đệ nhất Phu nhân mới đã toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng.
Trong trang phục ngoài trời vào đầu ngày hôm đó, bà Reagan đã giới thiệu màu sắc mà bà sẽ gắn liền trong suốt hai nhiệm kỳ của chồng: màu đỏ Reagan, mà bà cũng đã mặc trong lễ nhậm chức lần hai của chồng bốn năm sau đó.
Michelle Obama
Trong suốt hai nhiệm kỳ làm đệ nhất phu nhân, bà Michelle Obama đã liên tục nâng cao giá trị của các nhà thiết kế Mỹ mới nổi, chọn lựa những tài năng trong nước có giá trị tương đồng với những quan điểm của bà. Bà bắt đầu với Jason Wu, người đã thiết kế chiếc váy trắng lệch vai, điểm xuyết hoa và đá pha lê cho buổi tiệc nhậm chức năm 2009. Tuy nhiên, một phụ kiện vào đầu ngày hôm đó, kết hợp với chiếc áo khoác Isabel Toledo lấp lánh, mới là thứ thu hút sự chú ý của công chúng: chiếc găng tay màu xanh nhạt của J. Crew. Đây là điều được nhiều người coi là biểu tượng ban đầu về cách tiếp cận chính trị gần gũi với người dân của bà Michelle Obama.
Cũng không chỉ có lần đó, mà đó chỉ là khởi đầu cho một tình yêu lâu dài mà bà thể hiện với các món đồ bình dân của J. Crew. Vào năm 2017, tạp chí Time đã ghi nhận phong cách tiết kiệm của bà khi bà là người yêu thích sản phẩm của J. Crew, bình luận rằng: “Phụ nữ trên toàn quốc có thể cảm thấy đồng cảm khi Đệ nhất Phu nhân thích một chiếc áo len dễ thương có giá tốt”.
Melania Trump
Trong suốt thời gian làm Đệ nhất phu nhân, bà Melania Trump luôn thể hiện phong cách thời trang cao cấp và ưa chuộng các thương hiệu danh tiếng như Dolce & Gabbana, Christian Dior và Hervé Pierre, người đã thiết kế chiếc váy dạ tiệc cho bà trong lễ nhậm chức của ông Trump năm 2017. Hiện tại, vẫn chưa có thông tin xác nhận liệu Hervé Pierre có tham gia thiết kế trang phục cho bà trong lễ nhậm chức lần hai của ông Trump vào ngày 20/1 này hay không.
Bà Melania Trump vốn nổi tiếng với phong cách thanh lịch, tinh tế và có ảnh hưởng lớn trong thế giới thời trang. Các lựa chọn trang phục của bà trong các sự kiện chính thức như chuyến thăm Sicily và Rome đều gắn liền với những bộ trang phục đẳng cấp. Những bộ váy, áo khoác bà chọn luôn thể hiện được sự kết hợp giữa sự sang trọng và tinh tế, khẳng định vai trò của bà như một biểu tượng thời trang của Đệ nhất phu nhân Mỹ.
Trong khi đó, các nguồn tin cho biết tủ quần áo của bà Melania cho lễ nhậm chức năm 2025 đang được hoàn thiện tại Mar-a-Lago. Các nhà phân tích dự đoán bà sẽ tiếp tục lựa chọn những bộ trang phục không chỉ thể hiện sự thanh lịch đặc trưng mà còn phản ánh các chủ đề chính trị của chính quyền mới.